Chính trị - Xã hội

Biến "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thành "đột phá của đột phá"

Bảo Lam 15/02/2025 20:00

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025 – một con số đầy tham vọng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 15/2/2025, các đại biểu đã chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Tháo gỡ rào cản

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, đánh giá của Chính phủ, thể chế vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn, còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển, một số cơ chế, chính sách chậm sửa đổi; phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập hạn chế.

duongkhacmia.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu này đã chạm đến một vấn đề cốt lõi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội: cải cách thể chế. Một nền kinh tế muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% không thể chỉ dựa vào nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, mà quan trọng hơn, phải tháo gỡ những rào cản từ chính cơ chế quản lý nhà nước.

Thể chế từ lâu được ví như "điểm nghẽn của điểm nghẽn" khi còn nặng tính hành chính, quản lý chồng chéo và chậm đổi mới. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn hạn chế không gian phát triển của doanh nghiệp và các địa phương. Khi một chính sách bị kìm hãm bởi thủ tục rườm rà, thiếu tính thực tiễn, nó không chỉ làm chậm tốc độ tăng trưởng mà còn tạo ra tâm lý e ngại đổi mới.

Do đó, yêu cầu đặt ra là biến thể chế từ rào cản thành động lực. "Đột phá của đột phá" mà đại biểu Dương Khắc Mai đề xuất chính là lời kêu gọi mạnh mẽ về một cuộc cải cách thực sự, không chỉ dừng ở việc sửa đổi chính sách mà còn là thay đổi tư duy quản lý. Chính phủ cần đặt trọng tâm vào kiến tạo phát triển thay vì chỉ kiểm soát, tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp và người dân phát huy tối đa tiềm năng.

Muốn vậy, việc hoàn thiện thể chế phải đi đôi với nâng cao công tác tổ chức thi hành pháp luật. Một chính sách dù hay đến đâu nhưng nếu không được thực thi nghiêm túc, không có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả, thì vẫn chỉ nằm trên giấy. Vì vậy, yêu cầu đổi mới lần này không chỉ là thay đổi chính sách mà còn là đảm bảo thực hiện đến cùng, tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Tăng trưởng 8% là một mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động. Nhưng nếu thể chế thực sự được tháo gỡ, nếu chính sách được đổi mới theo hướng phục vụ phát triển thay vì chỉ quản lý, thì đó sẽ là "đột phá của đột phá" đúng nghĩa, mở ra không gian mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh yêu cầu tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” về thể chế, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh sự cần thiết của việc tập trung nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược một cách đồng bộ, hiện đại. Ông khẳng định, đầu tư công năm 2025 sẽ là một trong những trụ cột tăng trưởng, nhưng điều quan trọng là phải đổi mới cách quản lý, bảo đảm giải ngân hiệu quả nguồn vốn đã được giao dự toán.

Thực tế, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm trễ trong nhiều năm qua đã làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa, khiến nhiều dự án hạ tầng quan trọng bị đình trệ. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, cần có giải pháp để nâng cao trách nhiệm thực thi, tránh tình trạng vốn có nhưng không thể triển khai, làm lãng phí nguồn lực xã hội. Ông nhấn mạnh, đầu tư công phải trở thành “bàn đạp” kéo theo sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, chứ không thể là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Một điểm nhấn quan trọng khác trong bài phát biểu của đại biểu là vấn đề quy hoạch điện VIII và các dự án năng lượng tái tạo. Ông Dương Khắc Mai cảnh báo rằng, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, hàng loạt dự án điện sạch sẽ tiếp tục “đứng im như dấu chấm than giữa trời đất”, gây lãng phí nghiêm trọng. Năng lượng tái tạo không chỉ là xu hướng tất yếu trong chuyển đổi xanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp

Đóng góp ý kiến vào đề án, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Ông Thân cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, tránh tình trạng “đứng ngoài cuộc chơi” khi các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm lĩnh thị trường.

nguyenvanthan.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Thân. Ảnh: quochoi.vn

Một trong những đề xuất quan trọng của đại biểu là thiết lập hệ thống đánh giá KPI đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo các mốc thời gian cụ thể (3 tháng, 6 tháng, 1 năm). Việc này nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính. Những người làm tốt không chỉ được ghi nhận bằng bằng khen mà còn có cơ hội thăng tiến, tạo động lực làm việc hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng đề xuất đánh giá doanh nghiệp theo các tiêu chí không chỉ về nộp thuế mà còn về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, đóng góp từ thiện và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Ông Thân đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp vừa, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, vì đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo.

Riêng đối với khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, ông Thân nhấn mạnh họ cần có nghĩa vụ đối với xã hội, nhưng việc thực hiện phải linh hoạt, tránh gây phiền hà hoặc tạo thêm gánh nặng hành chính. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý có chính sách phù hợp để vừa đảm bảo quyền lợi của nhà nước, vừa hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng đưa ra những quan điểm đáng chú ý về cơ chế đấu thầu, quản lý tài nguyên, vai trò của doanh nghiệp tư nhân và các dự án quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Thân, các dự án không nên quá phụ thuộc vào quy trình đấu thầu, bởi thực tế cho thấy thủ tục này mất nhiều thời gian mà chưa chắc đã loại bỏ được tiêu cực. Thay vào đó, việc phân cấp rõ ràng theo thẩm quyền – Chính phủ quyết định phần việc thuộc Chính phủ, Bộ trưởng quyết định trong phạm vi bộ, lãnh đạo địa phương quyết định ở cấp tỉnh – sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, giảm bớt tình trạng ách tắc do thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, ông Thân cũng nhấn mạnh doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào nhiệm vụ được giao thay vì dàn trải sang các lĩnh vực khác. Đây là cách để nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước tham gia quá nhiều lĩnh vực nhưng hiệu quả không cao.

Về tài nguyên, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng không nên giữ tư duy “để dành cho thế hệ sau” mà cần khai thác hợp lý, đưa vào phát triển hạ tầng và các lĩnh vực cấp thiết. Quan điểm này phản ánh thực trạng nhiều nguồn lực đất đai, khoáng sản chưa được sử dụng hiệu quả, trong khi nền kinh tế vẫn cần vốn để phát triển.

Đáng chú ý, vị đại biểu này cũng đề xuất xem xét lại việc phát triển ba vùng kinh tế đặc biệt gồm Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong mà Quốc hội khóa XIV từng đề cập, đồng thời cân nhắc lại vấn đề nhà máy điện hạt nhân – một chủ đề từng gây tranh cãi nhưng có thể cần được đặt lên bàn nghị sự trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng lớn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân, cho rằng đã đến lúc phải tin tưởng, giao quyền nhiều hơn vì “doanh nghiệp của chúng ta bây giờ lớn rồi”. Việc khơi thông các nút thắt pháp lý đối với các dự án vướng mắc sẽ là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.

Bảo Lam