Chiến tranh thương mại sớm được tháo “ngòi nổ”?
Theo nhiều chuyên gia, chiến tranh thương mại toàn diện có thể không xảy ra, thay vào đó lần lượt các nền kinh tế, các khu vực sẽ thỏa thuận đàm phán với Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông sẽ áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 12/3 và có kế hoạch công bố mức thuế mới đối với ô tô sớm nhất là vào tháng 4 tới.
Đức và Pháp là hai quốc gia châu Âu xuất khẩu ô tô vào Hoa Kỳ nhiều nhất, ví dụ Volkswagen 80%, Mercedes 63%, BMW 52%, Renault 53%,… Do đó, tăng thuế sẽ khiến ngành công nghiệp xe hơi tại “lục địa già” lún sâu vào khó khăn trong bối cảnh bị bị cạnh tranh quyết liệt bởi Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng: Liên minh châu Âu (EU) đủ mạnh để chống lại mọi mối đe dọa thuế quan của Hoa Kỳ nhưng ông hy vọng có một thỏa thuận đàm phán có thể tránh được chiến tranh thương mại.
“Chúng tôi đủ mạnh để phản ứng với mọi thứ đang gây tổn hại đến nền kinh tế châu Âu. Nhưng chúng ta nên phản ứng theo cách luôn mang lại cơ hội cho một thỏa thuận”, ông Scholz nói.
Một số nguồn tin tiết lộ, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU gồm 27 thành viên, đang mời Hoa Kỳ thảo luận về các cách tránh leo thang tranh chấp thương mại.
Bên cạnh đó, các thành viên EU đã chuẩn bị nhiều danh sách hàng hóa của Hoa Kỳ để áp thuế trả đũa nếu ông Trump tiến hành đánh thuế, đồng thời mô hình hóa nhiều kịch bản khác nhau tùy thuộc vào đòn tấn công mở màn của Hoa Kỳ.
Đối diện với sự quyết liệt của ông Trump, một số nền kinh tế lớn chọn cách đàm phán, trong đó Ấn Độ - nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ tại châu Á- hứa sẽ mua thêm dầu thô, khí đốt và thiết bị quân sự, đồng thời tăng cường chống nạn nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Washington hài lòng về những bước đi gần đây của New Delhi nhằm hạ thuế quan đối với một số sản phẩm Hoa Kỳ và mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho hàng hóa nông sản Hoa Kỳ.
Ngày 13/2, Ấn Độ và Mỹ nhất trí khởi động đàm phán để sớm đạt một thỏa thuận thương mại và giải quyết tranh chấp về thuế quan. Thỏa thuận để giải quyết vấn đề thương mại giữa hai nước sẽ được hoàn tất trong vòng 7 tháng.

Nhiều quốc gia châu Á tìm cách kết nối đàm phán với Nhà trắng, cố gắng làm “hạ nhiệt” những tuyên bố cứng rắn của ông Trump. Đây là con đường tốt nhất để thảm họa thương mại không xảy ra như dự báo.
Các nước sẽ phải tăng khối lượng nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ, làm cân bằng cán cân thương mại; đồng thời đưa thuế quan qua lại về mức thấp nhất để tránh thiệt hại.
Một số nhà phân tích cho rằng, đích cuối cùng của ông Trump không phải là gây ra cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu, vì tất cả đều biết đây là trò chơi “tổng bằng không”.
Thông qua sự đe dọa thuế quan, dựa vào sức mạnh đồng đô la Mỹ và chính sách lãi suất từ FED - Hoa Kỳ muốn được nhượng bộ để thiết lập lại trật tự thương mại, đặt quyền lợi của mình vào trung tâm của mọi kế hoạch đàm phán. Nhưng có vẻ như Trung Quốc đã chọn cách đối đầu trực diện với Hoa Kỳ.