Nghiên cứu - Trao đổi

Gỡ nút thắt tài chính để khoa học, công nghệ bứt phá

Yến Nhung 17/02/2025 04:30

Theo chuyên gia, để khoa học, công nghệ thực sự bứt phá, cần có những cải cách mạnh mẽ trong chính sách tài chính.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn gặp phải nhiều rào cản về thể chế và chính sách, khiến tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Chỉ ra 3 điểm nghẽn chủ yếu của khoa học, công nghệ Việt Nam hiện nay, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, đó là cơ chế tài chính, phương thức đầu tư và chính sách sử dụng cán bộ khoa học, công nghệ, trong đó cơ chế tài chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Dự thảo) đang lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động - Ảnh: ITN
Cơ chế tài chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn" để phát triển khoa học, công nghệ - Ảnh: ITN

"Chừng nào chưa đổi mới thực sự cơ chế tài chính cho khoa học, công nghệ phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, chừng đó khoa học, công nghệ Việt Nam còn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, không thể thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm", nguyên Bộ trưởng khẳng định.

Theo ông Quân, trình độ cán bộ khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên công nghệ số - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nếu khơi dậy được khát vọng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ nghiên cứu, tin tưởng và trao cho họ quyền tự chủ cao nhất để đổi mới sáng tạo. Khoa học, công nghệ là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của mọi quốc gia. Nếu không quan tâm đến phát triển khoa học, công nghệ và trọng dụng đội ngũ nhân lực ngành này, "chắc chắn chúng ta sẽ không tránh khỏi nguy cơ tụt hậu".

Nguyên Bộ trưởng cho rằng, cơ chế tài chính không phù hợp đang cản trở sự phát triển và làm giảm hiệu quả đầu tư cho khoa học, công nghệ, làm nản lòng những người làm khoa học, chảy máu chất xám sang khu vực tư nhân và ra nước ngoài. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số. Nếu đổi mới được cơ chế tài chính, các điểm nghẽn khác như phương thức đầu tư, chính sách sử dụng cán bộ... sẽ được tháo gỡ khi đồng bộ hóa các quy định pháp luật có liên quan.

Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nêu vấn đề về ưu đãi thuế trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, khi các trường đại học công lập tự chủ là Nhà nước cắt ngân sách, giai đoạn tự chủ ban đầu rất khó khăn do không có nguồn, học phí không thể tăng nhiều. Trong khi đó nhiều trường hoạt động phi lợi nhuận, nên năm nào hết năm đó, không có dư để dành cho hoạt động khoa học, công nghệ.

"Do đó, đề nghị không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các trường đại học", ông Vũ Hải Quân chia sẻ.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực cao - Ảnh: ITN
Để khoa học, công nghệ thực sự bứt phá, cần có những cải cách mạnh mẽ trong chính sách tài chính - Ảnh: ITN

Liên quan đến cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ có cả ngân sách và ngoài ngân sách, cần cơ chế để khuyến khích đầu tư, do đó, cần làm rõ vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tức thương mại hóa kết quả này. Ví dụ, sau khi nghiên cứu, sản phẩm được thương mại thì cần làm rõ đưa về Nhà nước bao nhiêu và bao nhiêu được đưa vào quỹ phát triển khoa học, công nghệ của đơn vị đó.

“Cần mạnh dạn chỗ này, tránh việc nhà khoa học làm xong thì cho ngăn kéo. Khi sản phẩm của nhà khoa học được thương mại hóa, tạo nên trăm tỷ, ngàn tỷ đồng thì chúng ta không nên tiếc gì. Nếu chúng ta làm được cơ chế này thì nhà khoa học sẽ thực sự dấn thân, chúng ta cũng hướng đến hoạt động khoa học, công nghệ thực chất có thể sử dụng được, còn không sẽ chỉ dừng ở việc lấy tiền nghiên cứu là xong. Chúng ta cần mạnh dạn có cơ chế để đột phá, không nên quá sợ vấn đề lợi ích nhóm, nếu đủ bằng chứng tiêu cực, sai phạm thì xử lý, như thế mới đúng tinh thần khai phóng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Yến Nhung