Doanh nghiệp cà phê biến áp lực thành cơ hội tăng trưởng
Thực hiện Quy định về chống phá rừng của EU, các doanh nghiệp cà phê gặp không ít khó khăn nhưng mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng giá trị xuất khẩu.
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết: Quy định về chống phá rừng EUDR của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trên quy mô toàn thế giới. Theo quy định, toàn bộ nông sản, trong đó có sản phẩm cà phê chỉ được nhập khẩu vào EU trong điều kiện quy trình sản xuất không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá sau ngày 31/12/2020.
.jpg)
Quy định về chống phá rừng có tác động đến các nước trồng nhiều cà phê như Việt Nam. Tại “thủ phủ cà phê của Việt Nam” - thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước khoảng 210.000 ha và sản lượng thu hoạch hơn 520.000 tấn/năm, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc, các doanh nghiệp phải rất nỗ lực để duy trì và tăng trưởng xuất khẩu.
Thực hiện quy định trên, doanh nghiệp trong ngành phải giải quyết vấn đề lớn: chứng minh nguồn gốc và số hoá dữ liệu - những công việc không đơn giản và dễ dàng để đảm bảo không lấy cà phê từ nguồn có rừng bị phá hoặc suy thoái. Ông Trịnh Đức Minh cho biết, biết là thực hiện EUDR sẽ khó khăn nhưng các doanh nghiệp cũng nhận thức, đây chính là cơ hội lớn để doanh nghiệp tái cấu trúc và điều chỉnh canh tác, sản xuất để thích ứng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng thị phần xuất khẩu.
Do vậy, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ thực hiện quy định. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk tiên phong thực hiện với nhiều chương trình kế hoạch hành động, giải pháp thích ứng hiệu quả, bước đầu đạt kết quả khả quan.
Đắk Lắk cũng là một trong 2 địa phương thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR tại một số huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống giúp truy xuất nguồn gốc cà phê từ vườn cây, nông hộ đến đại lý thu mua thông qua bộ mã địa chính thống nhất, qua đó minh bạch hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro vi phạm quy định.

Sau hơn một năm triển khai, đã có 25.416 nông dân trồng cà phê tham gia hệ thống với diện tích 26.961 ha, sản lượng 89.085 tấn đáp ứng Quy định chống phá rừng. Nhờ đó, công ty Simexco DakLak với vùng nguyên liệu từ các huyện, thị tham gia thí điểm đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được cấp hai bản chứng thực 4C-EUDR đáp ứng tiêu chuẩn.
Đây chính là giấy thông hành để Simexco DakLak duy trì xuất khẩu cà phê vào EU. Doanh nghiệp này cũng đồng thời tiên phong xây dựng ứng dụng EUDR nhằm thích ứng quy định mới của EU.
Bên cạnh việc tuân thủ Quy định về chống phá rừng, ông Trịnh Đức Minh cho biết thêm, một số doanh nghiệp trong ngành đầu tư nguồn lực lắp đặt dây chuyền chế biến hiện đại để cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Điển hình, dây chuyền sấy lạnh được đánh giá là hình thức chế biến tốt nhất với công nghệ mới nhất đã được đầu tư hay mở hệ thống phân phối sản phẩm tại nước ngoài, xuất khẩu cà phê có thương hiệu… Sự đầu tư này đang góp phần đưa doanh nghiệp cà phê Việt lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.