Quốc hội chính thức thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Với 459/461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,03%), sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trước khi tiến hành biểu quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp - Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tham vấn chính sách (các điều 3, 6, 30 và 68), một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về hoạt động tham vấn chính sách bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội; quy định rõ cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm chủ trì tổ chức tham vấn; nghiên cứu xác định rõ đối tượng tham vấn để bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tham vấn chính sách là quy định mới được bổ sung vào quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm bảo đảm chính sách của dự án được xây dựng có chất lượng, giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành, sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, việc tổ chức thực hiện cần được quy định hợp lý để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan và không làm ảnh hưởng đến tính khách quan, độc lập của cơ quan thẩm tra.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức tham vấn chính sách; chủ thể được tham vấn là Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội và Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm mời các chủ thể, như đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học… tham dự hội nghị tham vấn theo yêu cầu của cơ quan được tham vấn (điểm b khoản 1 Điều 30).
Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị việc xây dựng dự án luật trong mọi trường hợp đều phải thực hiện quy trình xây dựng và đánh giá tác động chính sách...; đối với dự án không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách thì trong quá trình soạn thảo vẫn phải đánh giá tác động chính sách; đồng thời, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý nếu bổ sung chính sách mới thì phải đánh giá bổ sung tác động chính sách; đề nghị hồ sơ dự án phải có Báo cáo đánh giá tác động chính sách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, chính sách có vai trò rất quan trọng, quyết định nội dung của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; do đó, đối với các trường hợp không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách nhưng để soạn thảo van bản quy phạm pháp luật thì cơ quan soạn thảo vẫn phải xác định các chính sách lớn của văn bản để quy phạm hóa, chuyển hóa thành ngôn ngữ pháp lý. Chính sách đó cần phải được đánh giá tác động để làm căn cứ xác định tính hợp lý, hiệu quả, khả thi.
Tuy nhiên, nếu quy định “cứng” trường hợp dự án không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách mà vẫn phải có “Báo cáo đánh giá tác động chính sách” thì cũng không thực sự hợp lý, vì việc xây dựng Báo cáo này đòi hỏi tuân theo quy trình chặt chẽ, thiết kế nhiều phương án chính sách, đánh giá ưu điểm, hạn chế của từng phương án để lựa chọn sẽ làm chậm tiến độ xây dựng, ban hành văn bản.
Do đó, để vừa phúc đáp được yêu cầu rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành văn bản, đồng thời vẫn bảo đảm làm rõ tác động chính sách để có cơ sở xem xét, quyết định về dự án, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng đối với dự án không thuộc trường hợp phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách thì cơ quan trình vẫn phải đánh giá và nêu rõ tác động của chính sách trong bản thuyết minh dự kiến quy phạm hóa chính sách (khoản 2 Điều 27) và đây là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ dự án gửi phản biện xã hội, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội (các điều 33, 34, 37, 39); đồng thời, bổ sung quy định trước khi biểu quyết thông qua, nếu bổ sung chính sách mới thì cơ quan trình có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách đó (khoản 3 Điều 29)…