Hà Nội và TP HCM: Tăng tốc với đường sắt đô thị
Nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù cho đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM vừa được thông qua thể hiện quyết tâm Quốc hội trong gỡ vướng thủ tục, vốn và cơ chế.
Nếu thực hiện tốt, nghị quyết này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị mà còn góp phần thay đổi diện mạo giao thông đô thị, nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thêm “cánh tay” cho giao thông đô thị
Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn trên thế giới đã chứng minh rõ hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao năng suất lao động. Không chỉ là một phương thức vận tải hiện đại, đường sắt đô thị còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, tạo động lực thúc đẩy kinh tế và gia tăng chất lượng sống của người dân.
Tại Việt Nam, Hà Nội và TP HCM - hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - đã khởi động các dự án đường sắt đô thị từ năm 2007. Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, tiến độ triển khai vẫn quá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Những rào cản lớn nhất đến từ hệ thống pháp lý phức tạp, quy trình phê duyệt kéo dài, khó khăn trong huy động vốn và những bất cập trong quản lý, tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy, nhiều dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đội vốn đầu tư, chậm tiến độ thi công và chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan.
Chậm trễ trong triển khai không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn khiến chi phí đầu tư ngày một tăng cao, tạo áp lực lớn lên ngân sách nhà nước. Quan trọng hơn, sự chậm trễ này đã làm mất đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, khi mà nhu cầu về một hệ thống giao thông công cộng hiện đại ngày càng cấp thiết. Trong khi đó, bài toán ùn tắc giao thông tại hai đô thị lớn vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, giảm năng suất lao động và gia tăng tai nạn giao thông.
Theo định hướng quy hoạch, Hà Nội có 14 tuyến đường sắt đô thị, tương ứng 619,1km; còn TP Hồ Chí Minh có 10 tuyến, tương ứng 510km. Thế nhưng con số 40,5km đường sắt đô thị được đưa vào vận hành sau gần hai thập kỷ so với tổng chiều dài quy hoạch lên tới 1.129,1km là minh chứng rõ nét cho sự chậm trễ trong triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Với tốc độ này, việc hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội và TP HCM trong tương lai gần gần như bất khả thi nếu không có sự thay đổi mang tính đột phá về cơ chế, chính sách và cách thức thực hiện.
Trong khi đó, nhu cầu về một hệ thống giao thông công cộng hiện đại ngày càng cấp thiết, nhất là khi tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại hai đô thị lớn nhất cả nước ngày càng nghiêm trọng. Nếu tiếp tục duy trì cách làm cũ với các quy trình phức tạp, thiếu sự linh hoạt trong huy động nguồn lực và quản lý dự án, nguy cơ chậm tiến độ và đội vốn sẽ vẫn tiếp diễn, kéo theo những hệ lụy về kinh tế - xã hội.
“Cú hích” mới cho hạ tầng giao thông
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 có thể xem là bước đi mang tính bước ngoặt nhằm tháo gỡ những “nút thắt” này.
Nghị quyết bao gồm 11 điều và một phụ lục, quy định thí điểm các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tháo gỡ các rào cản về thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện. Đây được xem là bước đi quan trọng, tạo điều kiện để hai đô thị đầu tàu của cả nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Nghị quyết quy định rõ cơ chế huy động và bố trí nguồn vốn cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM. Theo đó, trong quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục quy định trong Phụ lục kèm theo Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ sẽ căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách để bổ sung vốn có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương.
Cụ thể, tổng mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách trung ương cho Hà Nội là 215.350 tỷ đồng và cho TP HCM là 209.500 tỷ đồng trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đáng chú ý, nếu sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm, các dự án đường sắt đô thị sẽ không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, tạo điều kiện linh hoạt hơn trong việc triển khai.
Nghị quyết thí điểm không chỉ tập trung vào nguồn vốn từ ngân sách trung ương mà còn đề cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc cân đối và bố trí nguồn lực. Theo đó, Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách địa phương để triển khai các dự án thuộc danh mục dự kiến.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố được trao quyền quyết định bố trí vốn từ ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Đáng chú ý, thành phố có thể sử dụng nguồn vốn này để triển khai trước một số hoạt động phục vụ cho dự án đường sắt đô thị và mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit-Oriented Development - TOD) ngay cả trước khi có quyết định đầu tư chính thức.
Ngoài các cơ chế về tài chính, Nghị quyết cũng đưa ra quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị và các dự án theo mô hình TOD. Đồng thời, chính sách còn khuyến khích phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hệ thống giao thông đô thị.
Bên cạnh các cơ chế chung, Nghị quyết thí điểm còn dành cho TP HCM một số quy định riêng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố huy động nguồn lực, phát triển hệ thống đường sắt đô thị cũng như hạ tầng giao thông công cộng.
Cụ thể, trong khu vực phát triển đô thị theo mô hình TOD, TP HCM được thu và sử dụng 100% các khoản thu liên quan để tái đầu tư vào hệ thống đường sắt đô thị, giao thông công cộng và hạ tầng kỹ thuật kết nối. Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm ban hành các quy định chi tiết về phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm không trùng lắp với các loại thuế, phí khác.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân TP HCM được phép chủ động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, cũng như các hình thức hợp pháp khác. Tổng mức dư nợ vay của TP HCM không vượt quá 120% số thu ngân sách theo phân cấp, và trong trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh tăng mức dư nợ phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đáng chú ý, TP HCM cũng được giao thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án liên quan. Đây là bước tiến quan trọng, giúp thành phố rút ngắn quy trình phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển bền vững cho đô thị.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp bất thường lần này, Chính phủ và Hội đồng Nhân dân hai thành phố sẽ nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền.
Để bảo đảm Nghị quyết được triển khai hiệu quả, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền, bảo đảm nguồn lực, đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, bảo vệ đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong triển khai Nghị quyết.
Đồng thời, cần xây dựng thêm một số cơ chế, chính sách phục vụ khai thác, vận hành sau đầu tư, bao gồm: chính sách về định mức đơn giá khai thác, duy tu, bảo dưỡng; cơ chế khai thác, sử dụng nhà ga theo hướng liên danh, liên kết, xã hội hóa nhằm giảm áp lực ngân sách.
Ngoài ra, việc xây dựng chính sách giá vé hành khách, giá vận chuyển hàng hóa, cùng với giá bán điện phục vụ khai thác vận hành cũng là những yếu tố quan trọng, góp phần bảo đảm tính bền vững và hiệu quả trong triển khai Nghị quyết.
Có thể khẳng định, việc thông qua Nghị quyết thí điểm này được xem là một cú hích lớn giúp rút ngắn thời gian triển khai các tuyến đường sắt đô thị, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và nền kinh tế. Nghị quyết này không chỉ tháo gỡ các nút thắt về cơ chế mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.