Phân tích - Bình luận

Xuất khẩu gỗ đối mặt nguy cơ thuế quan mới

Trương Khắc Trà 21/02/2025 04:00

Nếu ông Trump áp thuế 25% với gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, thị trường xuất khẩu mang về gần 9 tỷ đô la Mỹ năm 2024 sẽ trở nên khó khăn.

Gỗ xuất khẩu của Việt Nam có thể bị Hoa Kỳ đánh thuế 25% (Ảnh TTL)
Gỗ xuất khẩu của Việt Nam có thể bị Hoa Kỳ đánh thuế 25% (Ảnh TTL)

Sau nhôm, thép và xe hơi, chất bán dẫn và dược phẩm, ngày 20/2 vừa qua, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ bổ sung gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp vào danh mục bị áp thuế nhập khẩu, dự kiến trong tháng tới hoặc có thể sớm hơn.

Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ “Không lực Một” khi trở về Washington, ông Trump cho biết đang cân nhắc áp mức thuế 25% đối với gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp, có hiệu lực vào khoảng ngày 2/4.

Các mối đe dọa từ chính quyền mới tại Mỹ đã rất khó lường theo thời gian, khiến các quốc gia và doanh nghiệp khác không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một số nhà kinh tế và chuyên gia đã cảnh báo rằng, mức thuế quan toàn diện của ông Trump sẽ làm gia tăng lạm phát.

Những dự báo trước đây với ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam, giờ đây có nguy cơ xảy ra. Trong nhiều năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.

Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.

Điều đó có nghĩa rằng ngành gỗ đạt được thặng dư rất lớn với đối tác từ Hoa Kỳ, thống kê này thật sự gây lo lắng bởi ông Trump luôn đặt vấn đề thâm hụt thương mại lên hàng đầu.

Sản xuất gỗ công nghiệp tại nhà máy MDF VRG Quảng Trị (Ảnh Khắc Trà)
Sản xuất gỗ công nghiệp tại nhà máy MDF VRG Quảng Trị (Ảnh Khắc Trà)

Ngoài những khuyến nghị về đa dạng hóa thị trường, ngành gỗ và cơ quan chức năng cần chuẩn bị gì để vượt qua thách thức này? Như ông Trump đã “mở lối” nếu các quốc gia giảm hoặc miễn trừ thuế, mua thêm hàng hóa Hoa Kỳ thì việc đánh thuế của chính quyền ông có thể trì hoãn.

Trường hợp xấu nhất, không chỉ có sản phẩm từ Việt Nam phải chịu thuế, mà đó là thuế “có đi có lại” toàn cầu, có nghĩa là “trò chơi có tổng bằng không”, những đối thủ bán gỗ vào Hoa Kỳ đều bị tăng chi phí như nhau.

Trong trường hợp này, ngành gỗ quốc gia nào có chuỗi cung ứng tốt hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Vậy, đối với ngành gỗ - như thế nào là chuỗi cung ứng tốt? Trước hết phải là chuỗi cung ứng ngắn, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, bao gồm cả rừng trồng khép kín của doanh nghiệp, nhân công tại chỗ.

Tiếp đến, các doanh nghiệp phụ trợ trong nước có thể cung cấp tối đa nguyên vật liệu, tránh tối đa nhập khẩu trong bối cảnh đồng đô la Mỹ cao ngất ngưỡng như hiện nay.

Chi phí logictics cũng là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ công nghiệp, bao gồm phí cầu đường, cước vận tải, giá xăng dầu, thuế nội địa,… Nhà nước có thể “tính toán” được tất cả những yếu tố này để hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu vào.

Bản thân doanh nghiệp gỗ cần thiết tăng công suất, tăng năng lực sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, một hệ sinh thái ngành chặt chẽ, bổ trợ cho nhau cũng là cách giảm chi phí sản xuất, giúp tăng khả năng cạnh tranh trong môi trường thuế quan bất lợi.

Trương Khắc Trà