Khởi nghiệp

Để khởi nghiệp không dừng lại ở phong trào

Nguyễn Bão Quốc - Founder & CEO BQ TRAINING, Thành viên Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia - VSMA 22/02/2025 8:56

Làm thế nào để khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở phong trào, mà thực sự trở thành một động lực bền vững cho sự phát triển kinh tế? Chúng ta có quyền mơ một nền kinh tế khởi nghiệp?

KN 16
Chuyên gia Nguyễn Bão Quốc tham gia đào tạo nâng cao năng lực huấn luyện viên khởi nghiệp cho các giảng viên do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng tổ chức tháng 10/2024.

Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ với sự xuất hiện của hàng ngàn ý tưởng, dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, không ít trong số đó chỉ tồn tại với thời gian ngắn rồi dần biến mất. Một số thương hiệu bị xóa tên khỏi thị trường, số khác thì chết yểu, số còn lại thì sống lay lắt…Chỉ có số ít thành công viết nên được câu chuyện khởi nghiệp cho riêng mình.

Từ phong trào đến thực chất

Phong trào khởi nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ (thông qua các đề án: 844, 1665, 939…và rất nhiều các chính sách hỗ trợ khác). Đặc biệt, sự xuất hiện ngày càng nhiều các quỹ đầu tư, vườn ươm và các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong và ngoài nước cũng đang tác động mạnh mẽ đến các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.

Nhìn nhận một cách khách quan, ánh hào quang của khởi nghiệp đem lại không ít ý tưởng, dự án khởi nghiệp (startup) rơi vào tình trạng "khởi nghiệp theo trào lưu" - tức là ra đời nhanh chóng, hành động nhanh chóng rồi cũng im lìm, vắng bóng. Trong giới khởi nghiệp chúng tôi có câu nói vui “Tưng bừng khai trương nhưng im lìm đóng cửa”. Phần lớn các dự án thiếu một tầm nhìn, sứ mệnh, hay động lực triển khai sau thời gian khởi động dự án. Lý do bởi rất nhiều người khởi nghiệp thiếu kiến thức khởi nghiệp, thiếu chiến lược rõ ràng, thiếu nền tảng bền vững như kinh nghiệm, các bài học thực tế từ thành công, thất bại… đa phần tay ngang hoặc giỏi một công việc chuyên môn bước qua khởi nghiệp và họ dễ dàng thất bại khi gặp khó khăn hoặc đối diện với những rào cản bất lợi.
Hiểu thị trường, hiểu khách hàng, chưa có năng lực quản trị hay chưa thực sự chuẩn bị tốt về mặt tài chính… có lẽ là những nguyên nhân dẫn đến thất bại, cũng là bài toán đau đầu nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Thêm vào đó, tâm lý "khởi nghiệp để gọi vốn" từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để nhanh chóng tăng trưởng mô hình thay vì tập trung tạo ra giá trị thực sự cũng là một vấn đề lớn.

Cần gì để khởi nghiệp bền vững?

Nhìn nhận từ các nghiên cứu phong trào khởi nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, một số gợi mở sau đây có thể giúp chúng ta tập trung xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) bài bản và bền vững:

Tư duy khởi nghiệp bài bản: Các startup cần tiếp cận khởi nghiệp không chỉ như một cơ hội, mà còn là một quá trình dài hơi đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và quản trị chuyên nghiệp. Chúng ta cần học cách thiết lập những mục tiêu dài hạn 5 năm, 10 năm… Chính tầm nhìn dài hạn mới thực sự tạo ra sự khác biệt.

Tập trung vào giá trị thực: Thay vì chỉ chạy theo xu hướng như các sản phẩm hot trend, dễ bán, tạo ra dòng doanh thu nhanh, hoặc tập trung làm cho mô hình kinh doanh đẹp hơn về con số để gọi vốn thành công, các doanh nghiệp cần tập trung tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng. Một sản phẩm hay dịch vụ chỉ tồn tại lâu dài nếu nó giải quyết được vấn đề của thị trường. Design thinking là một trong những tư duy, kỹ năng mà doanh nghiệp cần trang bị cho mình.

Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ: HSTKN cần tiếp tục được hoàn thiện từ chính sách pháp lý, xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính như quỹ đầu tư mạo hiểm từ nhà nước, ưu đãi thuế cho startup trong giai đoạn đầu…đến đào tạo và kết nối mạng lưới, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn cùng đồng hành, không chỉ là nguồn động lực tài chính, mà còn cổ vũ tinh thần to lớn.

Nâng cao năng lực quản trị: Việc tham gia các chương trình cố vấn, đào tạo và kết nối với những doanh nhân thành công sẽ giúp các startup cải thiện năng lực điều hành. Thiết nghĩ, cần lắm một bộ khung hoàn chỉnh, được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về khởi nghiệp và ĐMST dễ dàng tiếp cận dành cho người khởi nghiệp.

Chúng ta cần rõ ràng với nhau: Khởi nghiệp không phải con đường ngắn hạn và dành cho số đông. Thành công trong khởi nghiệp không đến từ những chiến thắng nhanh chóng, mà là từ sự bền bỉ, khả năng thích nghi và thay đổi liên tục. Để khởi nghiệp thực sự bền vững, các doanh nghiệp trẻ cần vượt qua tư duy phong trào, tập trung vào chiến lược dài hạn và phát triển giá trị thực sự.

Nguyễn Bão Quốc - Founder & CEO BQ TRAINING, Thành viên Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia - VSMA