Cổ phiếu dệt may còn cơ hội?
Ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới chủ yếu từ biến động thị trường; tuy nhiên cổ phiếu dệt may được cho là vẫn tiềm ẩn cơ hội nhất định.
Thách thức từ bên ngoài
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giữa các phân khúc không đồng đều khi sản phẩm dệt may duy trì mức tăng trưởng cao, trong khi sợi chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, diễn biến này phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong năm qua, Việt Nam đã mở rộng thị phần hàng may mặc ở các thị trường chủ chốt. Tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, sự tăng trưởng được duy trì xuyên suốt năm, trong khi tại Hàn Quốc, thị phần giảm nhẹ phần lớn năm 2024 nhưng đã phục hồi vào cuối năm. Đáng chú ý, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc và Bangladesh đều ghi nhận sự sụt giảm về thị phần, tạo điều kiện để hàng dệt may Việt Nam tăng cường hiện diện trên thị trường quốc tế.
Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế năm 2025 tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam sẽ duy trì ở mức khả quan. Cụ thể, Hoa Kỳ dự kiến tăng trưởng 2,3%, EU tăng 1%, Nhật Bản tăng 1,2%, và Trung Quốc tăng 4,5%. Mức tăng trưởng này sẽ tạo ra nhu cầu ổn định cho các sản phẩm dệt may tại các thị trường này, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ nhậm chức, chính phủ nước này đã công bố các biện pháp thuế quan mới đối với Canada, Mexico và Trung Quốc. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng xem xét áp dụng “thuế quan có đi có lại” đối với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đàm phán trong vòng 180 ngày trước khi các mức thuế mới có hiệu lực, mang lại cơ hội để các sản phẩm dệt may của Việt Nam tránh được các mức thuế cao.
Trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025, các ngân hàng trung ương tại phương Tây đã bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, do áp lực lạm phát gia tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh tiến độ cắt giảm lãi suất xuống mức tối đa 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025.
Chính sách này không chỉ tạo áp lực lên các ngân hàng trung ương khác, mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi sức mua có thể suy giảm do đồng Yên và Won mất giá.
Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, Mỹ đã áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc ở mức 10%. Trong bối cảnh Việt Nam đang có thặng dư xuất khẩu dệt may sang Mỹ với thị phần chiếm khoảng 19-20% (chỉ sau Trung Quốc), nguy cơ bị áp thuế trong thời gian tới là rất cao.
“Đặc biệt, sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm tới 80-85% vào một số thời điểm, sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp rủi ro lớn nếu các đối tác Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen. Điều này sẽ kéo theo các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía Mỹ và làm tăng chi phí vận chuyển, gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hoàng Mạnh Cầm cảnh báo.
Cổ phiếu triển vọng
Theo chuyên gia tại Mirae Asset, dù bối cảnh thị trường biến động nhưng các cổ phiếu dệt may vẫn tiềm ẩn cơ hội nhất định. Trong đó, Công ty Cổ phần May Sông Hồng (MSH), được đánh giá là một công ty may mặc có lợi nhuận cao, trụ sở tại tỉnh Nam Định, vận hành hơn 20 xưởng sản xuất.

Vị trí địa lý thuận lợi giúp công ty hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực logistics. Các sản phẩm chủ lực gồm hàng may mặc xuất khẩu CMT và FOB. Danh mục khách hàng của MSH tập trung tại thị trường Hoa Kỳ bao gồm Walmart, Nike, Target và Haddad Brands. Công ty cũng sở hữu thương hiệu nổi tiếng trên thị trường chăn - drap - gối - nệm trong nước.
Năm 2025, nhà máy Sông Hồng Xuân Trường dự kiến sẽ đi vào hoạt động, giúp tăng tổng công suất của MSH. Tuy nhiên, quy mô lao động dự kiến sẽ tăng chậm và rủi ro cần lưu ý với MHS là: Cạnh tranh về nhân công tại miền Bắc Việt Nam trong bối cảnh đầu tư FDI ngày càng tăng; Sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc; Biến động tỷ giá VND/USD.
Tương tự với Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (PPH) - nhà sản xuất dệt may tại miền Nam, tập trung vào hai phân khúc chính là sợi và sản phẩm dệt gia dụng. PPH có lợi thế trong phân khúc sợi nhờ sự hợp tác với Coats (cung cấp sợi chỉ may cho Coats toàn cầu). Công ty cũng đang mở rộng sản xuất khăn và các sản phẩm dệt gia dụng khác.
“Quy mô lao động của PPH đạt 2.012 nhân viên vào cuối tháng 6/2024. Chúng tôi dự đoán quy mô lao động sẽ tăng chậm trong các năm tới, trong khi năng suất sẽ cải thiện nhờ hợp tác với Coats và cơ cấu tinh gọn hơn. Dự báo doanh thu năm 2025 đạt 2.251,2 tỷ đồng tăng 0,6% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận từ công ty liên kết tiếp tục đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, sự hợp tác với Coats, biến động về nhu cầu toàn cầu và giá nguyên liệu là những rủi ro chính đối với PPH mà nhà đầu tư cần lưu ý”, nhóm chuyên gia phân tích.
Có thể thấy, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, bao gồm chính sách thuế quan của Mỹ, chi phí lao động gia tăng và sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, tối ưu hóa chi phí sản xuất và tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong dài hạn, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của ngành, nhưng cũng đặt ra áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất và cải thiện môi trường làm việc để giữ chân lao động.