Kiến nghị

Giới hạn lái xe không quá 48 giờ/tuần: Doanh nghiệp vận tải lo “đội chi phí”?

Bài và Ảnh: Hương Giang 21/02/2025 03:30

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải không được lái xe liên tục quá 4 giờ, sẽ làm tăng chi phí, tồn hàng hoá và khó cạnh tranh.

Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trước quy định mới tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, từ ngày 1/1/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong 1 tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong 1 ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.

img_2318.jpg
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội ôtô vận tải hành khách TP HCM, quy định khá khắc nghiệt, trong khi đất nước và người lao động (lái xe) còn nghèo, chưa kể cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, là hết sức bất cập.

Tăng chi phí

Theo ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội ôtô vận tải hành khách TP HCM, quy định ở nước ta là khá khắc nghiệt, trong khi đất nước và người lao động (lái xe) còn nghèo, chưa kể cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, là hết sức bất cập. Điều này dẫn đến làm tăng giá thành vận tải, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và đẩy chi phí vận tải lên cao.

Ngoài ra, nếu xét về mặt tổng thể nó có thể vi phạm quyền làm việc của lái xe, vì theo luật lao động, lái xe có quyền làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, nuôi sống gia đình.

“Thực tế, ở nhiều quốc gia trên thế giới, giờ chạy xe trong tuần cao hơn nhiều, đến 55 - 60g, thậm chí 70 - 80 giờ/ tuần như Mỹ… Do đó, Hiệp hội chúng tôi đề nghị 2 cách: Một là, trước mắt, các bộ ngành liên quan chỉ cần giải thích là mức quy định 48giờ/tuần, chỉ là mức trung bình trong một năm, như vậy người lái xe vào các dịp Lễ, Tết có thể hoạt động lên đến 50 - 60 giờ/tuần. Hai là, về lâu dài, nhất thiết phải xem xét điều chỉnh tăng lên 60 - 70giờ/tuần như đề nghị để theo kịp khuynh hướng chung của các nước trên thế giới”, ông Tính đề nghị.

Cũng theo ông Tính, đối các quy định tại điểm b khoản 5 Điều 21 Nghị định 168/2024 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định xử phạt hành chính đối với tài xế lái xe ô tô liên tục quá 4 giờ sẽ phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở. Bởi, mức phạt đối với hành vi này là cần thiết để nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lái xe cũng như nhằm đảm bảo ATGT và tránh đến mức tối đa tai nan giao thông có thể xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có những ngoại lệ như lái xe quá 4 giờ liên tục khi đi vào các con đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ,… nhằm tránh những trường hợp oan đáng tiếc có thể xảy ra.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH Vận Tải TMDV Phượng Hoàng, cho rằng: với thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ và trong một tuần không được phép lái xe quá 48 giờ đang còn nhiều bất cập. Bởi, với quy định này thì ầu hết các doanh nghiệp vận tải và tài xế còn một số băn khoăn về cách tính thời gian bắt đầu làm việc của tài xế.

Cũng theo ông Hoàng, những thay đổi trong quy định thời gian lái xe là bước đi quan trọng nhằm nâng cao an toàn giao thông đường bộ. Mặt khác, việc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định này sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho lái xe và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý vận tải. Tuy nhiên, quy định không được lái xe quá 48 giờ/tuần là điều gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và tài xế trong bối cảnh hiện nay.

ông Nguyễn Chí Hoàng - Giám đốc Công ty Vận tải Phượng Hoàng
Ông Nguyễn Chí Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH Vận Tải TMDV Phượng Hoàng: với thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ và trong một tuần không được phép lái xe quá 48 giờ thì hầu hết các doanh nghiệp vận tải và tài xế còn một số băn khoăn về cách tính thời gian bắt đầu làm việc của tài xế.

Khó cạnh tranh

"Với một số cung đường trước đây chỉ cần 1 lái xe (cung đường ngắn), đối với cung đường dài từ Nam - Bắc là 2 lái xe. Thế nhưng, sau khi có quy định này thì nay công ty sẽ phải điều 2 lái xe (cung đường ngắn) và 3 lái xe (cung đường dài), điều này dẫn đến thu nhập của lái xe bị ảnh hưởng và doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Mặt khác, việc tuyển lái xe trong lúc này rất khó khăn, chưa kể việc “đội chi phí vận hành” khiến giá thành dịch vụ logistics tăng cao kéo theo khó cạnh tranh về mặt hàng hoá đối với doanh nghiệp sản xuất. Trước mắt, doanh nghiệp đang “thắt lưng buộc bụng”, chưa tăng giá cước để chia sẻ với khách hàng. Song, về lâu dài chúng tôi bắt buộc phải tăng giá dịch vụ để bù vào những phát sinh chi phí khác cũng như việc tuyển dụng thêm lái xe”, ông Hoàng nói.

Về các giải pháp, ông Hoàng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như lái xe, các cơ quan chức năng nên điều chỉnh quy định cho tài xế được lái xe không quá 60 -70 giờ/tuần, thay vì cứng nhắc như hiện nay.

Tương tự ông Võ Văn Hiền – Giám đốc nội địa, Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Mỹ Á cho rằng quy định 48 giờ/tuần sẽ khiến doanh nghiệp và tài xế gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất với sự việc hạ tầng giao thông, đường sá chưa theo kịp với quy định, đặc biệt là khu vực cảng Cát Lái. Đơn cử, khi anh em lấy được container ra khỏi cảng thì hết giờ theo quy định dẫn đến việc tài xế không dám điểu khiển xe nữa và kéo theo tình trạng kẹt xe và ùn ứ hàng hoá, gây chậm tiến độ giao hàng hoá, trong khi bên khách hàng cần hàng hóa cho hoạt động sản xuất. Thứ hai, nếu chạy đúng quy định sẽ phải tăng tài xế, lúc này doanh nghiệp vận tải phát sinh thêm chi phí, chắc chắn giá hàng hóa và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

“Bất kì quy định mới nào khi đưa vào áp dụng trong thực tế sẽ có thể ảnh hưởng, tác động đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Quy định về tổng thời gian làm việc của lái xe không quá 48 giờ/tuần cũng vậy. Do đó, chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế để chia sẻ với doanh nghiệp nếu không sẽ làm gia tăng chi phí của các doanh nghiệp, đặc biệt là hàng hoá sẽ bị đẩy lên cao và khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Hiền chia sẻ.

Bài và Ảnh: Hương Giang