Doanh nghiệp

Đề xuất lùi thời gian phát triển điện gió ngoài khơi sau năm 2030

Thy Hằng 21/02/2025 05:13

Tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Bộ Công Thương đề xuất lùi thời gian phát triển nguồn điện gió ngoài khơi sau năm 2030 với mục tiêu đạt công suất khoảng 17.000 MW vào năm 2035.

Chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia. Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 với nhiều điểm mới so với các quy hoạch trước đây, như “mang tính động và mở”, phát triển tối ưu các loại nguồn điện với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế.

content_dien-gio-3.jpeg
Bộ Công Thương đề xuất lùi thời gian phát triển nguồn điện gió ngoài khơi sau năm 2030 với mục tiêu đạt công suất khoảng 17.000 MW vào năm 2035.

Để đảm bảo cung ứng điện các năm tới với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức “2 con số”, việc rà soát, đánh giá khả năng phát triển các loại hình nguồn điện, điều chỉnh cơ cấu nguồn điện đặc biệt giai đoạn đến năm 2030, trong đó ưu tiên phát triển nguồn điện có thời gian thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt tại khu vực phía Bắc theo báo cáo của Bộ Công Thương là cần thiết. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tại Quyết định 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024.

Báo cáo tại cuộc họp về nội dung đề án điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự báo nhu cầu phụ tải được thực hiện với ba phương án tương ứng với ba kịch bản tăng trưởng GDP.

Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở phương án phụ tải cơ sở giai đoạn 2026-2030 là 10,3%/năm, phương án phụ tải cao là 12,5%/năm, tương ứng với tăng trưởng GDP bình quân 8-10%/năm.

Về chương trình phát triển nguồn điện, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291-236.363 MW. Như vậy so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt tăng thêm khoảng 27.747-80.819 MW.

Cụ thể, nhiệt điện than chiếm 16,9-13,1% với 31.055 MW, giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII, công suất tăng thêm do cập nhật gam máy thực tế của các nhà máy điện.

Nhiệt điện khí trong nước chiếm 5,9-4,6% với 10.861 MW, giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII. Nhiệt điện LNG chiếm 4,8-3,7 % với 8.824 MW, giảm so với Quy hoạch điện VIII khoảng 13.576 MW do đánh giá các nguồn điện chậm tiến độ.

Thủy điện chiếm 18,2-14,7% với 33.294-34.667 MW, tăng 4.560-5.275 MW lên so với Quy hoạch điện VIII.

Về điện gió trên bờ và gần bờ, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện gió trên bờ và gần bờ đạt khoảng 27.791-34.667 MW, tăng khoảng 3.949-5.321 MW so với Quy hoạch điện VIII được duyệt.

Đáng lưu ý, về điện gió ngoài khơi, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong giai đoạn đến 2030, nguồn điện này vẫn có chi phí đầu tư xây dựng cao.

“Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển khoảng 6.000 MW nguồn điện này đến năm 2030. Tuy nhiên, Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển nguồn điện này sau năm 2030, đạt khoảng 17.000 MW vào năm 2035” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Về điện mặt trời, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện mặt trời mặt đất, mặt nước và điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 46.459-73.416 MW, so với Quy hoạch điện VIII được duyệt tăng khoảng 25.867-52.825 MW. Nguồn điện mặt trời có ưu điểm triển khai nhanh, đáp ứng kịp thời khả năng cung ứng điện trong những năm 2026-2027.

Về điện hạt nhân, lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, dự kiến Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với tổng công suất đạt 6.000-6.400 MW sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 2030-2035.

Giai đoạn đến năm 2050 hệ thống cần bổ sung khoảng 4.500-5.000 MW điện hạt nhân tại miền Bắc và khoảng 3.000 MW tại miền Trung (chủ yếu là điện hạt nhân dạng mô đun nhỏ SMR) để cung cấp nguồn điện chạy nền cho hệ thống. Nguồn điện hạt nhân sẽ tiếp tục được nghiên cứu các địa điểm tiềm năng để phát triển trong các quy hoạch sau Quy hoạch điện VIII.

Về vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2026-2030 khoảng 136-172 tỉ USD, trong đó nguồn điện khoảng 118-148 tỉ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18-24 tỉ USD.

“Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực vẫn rất lớn. Do đó, Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã đề xuất các giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện. Đặc biệt là đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn như vốn tín dụng ngân hàng, vốn viện trợ, thị trường chứng khoán… Bên cạnh đó, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Chuyên gia cho rằng cần quan tâm, thu hút mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện lực thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai.
Về vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2026-2030 khoảng 136-172 tỉ USD, trong đó nguồn điện khoảng 118-148 tỉ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18-24 tỉ USD.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương về việc hoàn thiện đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trong thời gian rất ngắn, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá, trong đó có nhiều điểm mới, ưu việt hơn so với các nội dung của Quy hoạch điện VIII trước đây. Các nội dung của Quy hoạch điện VIII đã cơ bản bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cụ thể hóa các giải pháp thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Thy Hằng