Doanh nghiệp

Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam (Kỳ I): Bùng nổ FDI

Nguyễn Chuẩn 21/02/2025 15:10

Với 174 dự án tổng vốn đăng ký vượt 11 tỷ USD, Việt Nam đang nổi lên như điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Các “đại bàng” công nghệ như NVIDIA, Intel, Samsung hay là Qualcomm... không ngần ngại chuyển chuỗi sản xuất về Việt Nam, đồng thời ký kết nhiều thỏa thuận chiến lược với Chính phủ nhằm thúc đẩy công nghệ tiên tiến, trong đó nổi bật là hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

1x(1).jpg
Hàng loạt các "ông lớn" công nghệ như Intel đang có những kế hoạch mở rộng chuỗi sản xuất tại Việt Nam.

Trên thực tế, chính sách ưu đãi và vị trí địa lý chiến lược đã góp phần làm nên sức hút của Việt Nam. Theo báo cáo từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ và Boston Consulting Group, Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 1% lên 8-9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip toàn cầu vào năm 2032, một con số ấn tượng cho thấy tiềm năng bứt phá của nước ta.

Các tập đoàn công nghệ hàng đầu đã nhanh chóng đổ bộ vào Việt Nam. Cuối năm ngoái, Jensen Huang – nhà sáng lập và CEO của NVIDIA đã ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ, đặt nền móng cho việc thành lập Trung tâm R&D và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Đây được xem là “cú hích” công nghệ, mở ra cơ hội cho chuyển dịch chuỗi sản xuất từ các nước khác về Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn FPT và NVIDIA cũng đã ký kết thoả thuận đầu tư 200 triệu USD xây dựng Nhà máy AI, góp phần phát triển công nghệ AI có chủ quyền tại Việt Nam. Ngoài ra, Intel đã đầu tư thêm 475 triệu USD vào cơ sở sản xuất, tạo ra môi trường sản xuất tiên tiến nhất trong lĩnh vực lắp ráp và kiểm thử chip.

Samsung – nhà đầu tư trực tiếp FDI lớn nhất Việt Nam – đã khởi công từ năm 2008 và hiện đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với tổng doanh thu từ 4 nhà máy đạt 62,5 tỷ USD trong năm 2024. Trong cuộc gặp với Thủ tướng vào tháng 5/2024, Samsung dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, cho thấy cam kết lâu dài và định hướng phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp khác như Qualcomm, với trung tâm R&D đầu tiên tại Hà Nội được khai trương vào năm 2020, đã ghi nhận doanh thu 4,7 tỷ USD từ thị trường Việt Nam, chiếm 12% tổng doanh thu toàn cầu của hãng. Đây cũng là minh chứng cho sự tin tưởng và đánh giá cao tiềm năng thị trường bán dẫn của Việt Nam.

Ngoài ra, các dự án FDI quy mô lớn khác như Amkor Technology – với kế hoạch trị giá 1,6 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh – và Lam Research đang lên kế hoạch đầu tư từ 1-2 tỷ USD nhằm phát triển chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, cho thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến của các “ông lớn” nước ngoài mà còn là thị trường đầy triển vọng cho các dự án công nghệ cao.

chip(1).jpg
Sự kết hợp giữa chính sách, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực năng động đã tạo nên sức hút của Việt Nam.

Trên thực tế, việc thu hút FDI vào ngành bán dẫn không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chính sách ưu đãi của Chính phủ, cùng với sự chủ động trong xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã góp phần định vị Việt Nam là “quê hương thứ hai” của các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Sự kết hợp giữa chính sách, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực năng động đã tạo nên sức hút không thể chối cãi của thị trường Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đang dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, chuyên gia về công nghệ bán dẫn cho rằng, Việt Nam đã chứng tỏ sức hấp dẫn của mình đối với các khoản đầu tư FDI chất lượng cao nhờ vào sự ổn định chính trị và các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, để chuyển giao công nghệ hiệu quả, cần tập trung hơn nữa vào đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn.

Đồng quan điểm, một số các nhà phân tích kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, việc các tập đoàn lớn như NVIDIA và Intel đổ bộ về Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho niềm tin vào tiềm năng phát triển ngành bán dẫn. Nhưng, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần không ngừng cải thiện hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công nghệ hiện đại.

Rõ ràng, những thành công ban đầu trong việc thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bán dẫn đang đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các bài học từ các quốc gia dẫn đầu như Đài Loan và Hàn Quốc cho thấy, chỉ có một hệ sinh thái hoàn chỉnh mới đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn. Việt Nam cần tiếp tục tăng cường các chương trình đào tạo, liên kết giữa Nhà “Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp” để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kỹ sư và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Nhìn chung, FDI trong ngành bán dẫn đang là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, mở ra cơ hội công nghệ và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến. Việt Nam đang “đón đại bàng” công nghệ với sự tham gia của các tập đoàn lớn toàn cầu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Mặc dù còn tồn tại những thách thức về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nhưng với cam kết chính sách và sự chủ động trong xúc tiến đầu tư, Việt Nam hứa hẹn sẽ vươn lên trở thành trung tâm công nghệ và sản xuất bán dẫn chiến lược của khu vực.

Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam (Kỳ II): Cơ hội và thách thức

Nguyễn Chuẩn