Kinh tế thế giới

Nguy cơ đình lạm từ thuế quan Mỹ

[ TRƯỜNG ĐẶNG thực hiện ] 23/02/2025 11:16

Đình lạm - tăng trưởng trì trệ kèm lạm phát cao - đang trở nên rõ ràng hơn trước sức ép thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

katrinaell_ma.jpg

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với bà Katrina Ell, Giám đốc và Trưởng bộ phận Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại Moody's Analytics, xung quanh vấn đề này.

- Nếu chính sách thuế quan của chính quyền Trump được thực hiện đầy đủ, đặc biệt là mức thuế phổ quát, kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm không, thưa bà?

Nguy cơ đình lạm sẽ ở mức đáng lo ngại nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tích cực theo đuổi chính sách thuế quan đối với hầu hết các đối tác thương mại.

Thuế quan có xu hướng gây ra lạm phát vì thực chất đây là một loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu. Theo thời gian, chi phí này thường được chuyển sang cho doanh nghiệp và hộ gia đình gánh chịu. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đã chứng kiến các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương tự. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực tăng lạm phát.

Moody’s đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát toàn cầu trong ngắn hạn ngay khi ông Trump thắng cử, với lý do rằng các chính sách của ông ấy sẽ thúc đẩy lạm phát, không chỉ thông qua thuế quan mà còn qua các chính sách khác như hạn chế nhập cư và cắt giảm thuế.

Ngoài ra, sự gián đoạn tiềm tàng trong thương mại toàn cầu sẽ làm suy yếu đáng kể nhu cầu hàng hóa, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Đây là một “rủi ro đuôi” (tail risk) đáng lo ngại. Do đó, chúng tôi dự đoán rằng ông Trump sẽ rút lại một số thuế quan đã áp dụng hoặc lời đe dọa nhằm tránh làm suy yếu nền kinh tế Mỹ một cách trầm trọng.

- Bà có thể đánh giá kỹ hơn về rủi ro đình lạm đối với Việt Nam như thế nào?

Nguy cơ đình lạm tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đã tăng lên kể từ khi ông Trump nhậm chức, nhưng đây vẫn chưa phải là kịch bản cơ bản của Moody’s.

Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế do thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát đình trệ sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ quyết liệt của các biện pháp thuế quan và thời gian chúng được duy trì.

tham-hut-thuong-mai.jpg
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia châu Á trong năm 2024.


Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là lạm phát sẽ tăng nhẹ tại hầu hết các nền kinh tế do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng bất ổn và thay đổi của tuyến thương mại. Nhưng nguy cơ vẫn ở mức tương đối thấp, cho phép các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ một cách từ từ.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là Việt Nam đã hưởng lợi từ các mức thuế mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi các nhà sản xuất tăng tốc nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Việt Nam có thể không còn là bên hưởng lợi rõ ràng như trước. Thặng dư thương mại lớn với Mỹ từng bị ông Trump cho rằng là “không công bằng”.

Ông Donald Trump hy vọng rằng việc áp thuế lên các đối tác thương mại sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Với bối cảnh này, Việt Nam có thể cân nhắc tăng cường đầu tư vào Mỹ nếu trở thành mục tiêu của thuế quan.

Nhưng có một vấn đề với cách tiếp cận này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, thực tế đã cho thấy rằng việc tăng thuế đối với các đối tác thương mại đã không dẫn đến sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ, mà thay vào đó, nó làm gia tăng lạm phát và khiến việc làm bị mất đi.

tong-thong-my-1737686933628804409043.jpg
Ông Donald Trump hy vọng rằng việc áp thuế lên các đối tác thương mại sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Mỹ.

- Theo bà, những nền kinh tế nào sẽ đối mặt nhiều nhất với nguy cơ đình lạm? Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, thì sao?

Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại sẽ chịu tác động lớn hơn từ thuế quan của chính quyền Trump và có nguy cơ đối mặt với nguy cơ đình lạm nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng. Ở Đông Nam Á, những quốc gia bị ảnh hưởng bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Singapore.

Tại Trung Quốc, mối lo ngại lớn hơn là giảm phát, chứ không phải đình lạm. Sự phục hồi kinh tế của nước này liên tục gây thất vọng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã có các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.

Nền kinh tế trong nước suy yếu đã khiến Trung Quốc có nguy cơ rơi vào giảm phát trong hai năm qua. Năm ngoái, ngành sản xuất và xuất khẩu là điểm sáng trong nền kinh tế Trung Quốc, trong khi đầu tư tư nhân và tiêu dùng hộ gia đình vẫn yếu kém.

Khi ngành sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do thuế quan, và nhu cầu nội địa không có dấu hiệu phục hồi đáng kể, thì rủi ro giảm phát kéo dài tại Trung Quốc trong năm nay vẫn ở mức cao đáng lo ngại.

- Vậy có những ngành công nghiệp nào nên lo lắng nhất về chính sách thuế quan Mỹ?

Những ngành công nghiệp có nguy cơ bị áp thuế cao nhất, bao gồm sản xuất các mặt hàng chiến lược, đặc biệt là chip tiên tiến. Đây là những lĩnh vực chịu rủi ro lớn nhất từ thuế quan của Mỹ và có nguy cơ bị gián đoạn cao nhất. Việc kéo dài chuỗi cung ứng để né tránh thuế quan cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
- Trân trọng cám ơn bà!

[ TRƯỜNG ĐẶNG thực hiện ]