Chính trị

Thủ tướng New Zealand đến Việt Nam cùng đoàn doanh nghiệp lớn: Thúc đẩy đầu tư, thương mại

Bảo Lam 22/02/2025 05:00

Thủ tướng New Zealand đến Việt Nam cùng với đoàn doanh nghiệp lớn, cho thấy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là một trọng tâm lớn của chuyến thăm.

tham.jpg
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon (trái) đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sang thăm New Zealand vào tháng 3/2024. Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand

Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai từ ngày 25-28/2.

Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Trong 50 năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được cải thiện, phát triển. Hai bên đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2009 và Đối tác chiến lược vào năm 2020.

Quan hệ hợp tác Việt Nam - New Zealand đang trên đà phát triển rất tốt đẹp, được thúc đẩy thông qua hàng loạt tiếp xúc, trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước và nhiều cơ chế, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể.

Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã thăm chính thức New Zealand; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters thăm Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Christopher Luxon lần này là dịp quan trọng để hai bên đánh giá lại chặng đường hợp tác hữu nghị và đối tác chiến lược vừa qua để cùng định hướng chiến lược quan hệ hai nước trong thời gian dài sắp tới.

Đây còn là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Christopher Luxon đến Việt Nam kể từ khi ông trở thành người đứng đầu chính phủ liên minh tại New Zealand, với ưu tiên đối ngoại mới là tăng cường quan hệ với ASEAN nói chung và với các quốc gia Đông Nam Á nói riêng, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu.

Trao đổi với TTXVN trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung cho biết, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng New Zealand Christoper Luxon đến Việt Nam tháng 2/2025 là một chuyến thăm đặc biệt. Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, 5 năm triển khai Quan hệ đối tác chiến lược và là cột mốc quan trọng để hai nước kỳ vọng đưa quan hệ lên tầm cao mới.

Thủ tướng New Zealand đến Việt Nam cùng với đoàn doanh nghiệp lớn, gồm nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu, cho thấy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là một trọng tâm lớn của chuyến thăm, là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước kết nối, tạo dựng quan hệ đối tác mới. Một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, kinh tế thương mại, hàng không, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu hứa hẹn sẽ được ký kết nhân dịp này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Christopher Luxon sẽ có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chào xã giao các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Christopher Luxon cũng sẽ dự và phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN, thể hiện sự coi trọng của New Zealand đối với tổ chức ASEAN. Việt Nam hiện đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-New Zealand, trong đó năm 2025 cũng đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - New Zealand.

Theo đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và New Zealand đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt kể từ khi hai nước chính thức thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2020. Với nền tảng vững chắc của nửa thế kỷ hợp tác và hữu nghị, quan hệ hai nước đang bước vào giai đoạn có nhiều cơ hội hợp tác mới.

Việc Việt Nam và New Zealand duy trì các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao thường xuyên cho thấy mức độ tin cậy chính trị cao và tình cảm gắn bó nồng ấm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới New Zealand vào tháng 3/2024 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, trong đó hai bên khẳng định quyết tâm chính trị, quyết tâm tạo đột phá hơn nữa để đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD vào năm 2026.

Việt Nam và New Zealand có những thế mạnh kinh tế có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với tương lai của hai nước. Hai nước cũng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng ở khu vực, tạo cơ hội tận dụng các lợi thế trong trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế, đầu tư.

Giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống mang lại những kết quả thiết thực giữa hai nước. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam chọn New Zealand là điểm đến du học, nhờ nền giáo dục chất lượng cao và các chương trình học bổng hấp dẫn. New Zealand cũng đang giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, cán bộ quản lý cao cấp, cán bộ nghiên cứu khoa học chuyên sâu và đội ngũ lao động lành nghề.

Trên trường quốc tế, Việt Nam và New Zealand chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích chung ở khu vực, ngày càng có nhiều điểm tương đồng có thể hợp tác, hỗ trợ nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai nước có nhiều dư địa để mở rộng hợp tác, không chỉ vì các lợi ích kinh tế, thương mại mà còn vì các lợi ích chiến lược.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của New Zealand, trong đó Việt Nam là nhà xuất khẩu thứ 12 vào thị trường New Zealand và nhập khẩu đứng thứ 18 của New Zealand. Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 41 của Việt Nam (xếp thứ 41 về xuất khẩu và 37 về nhập khẩu). Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm. Gần đây nhất, năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 1,3 tỷ USD.

Tính đến tháng 2/2025, New Zealand có 55 dự án đầu tư với tổng số vốn 208 triệu USD, đứng thứ 39/149 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng.

New Zealand cũng là đối tác dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm.

Bảo Lam