Tìm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững
Thị trường chứng khoán phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo tăng trưởng bền vững, vì vậy rất cần giải pháp về nguồn cung, hạ tầng,...
Ngày 21/02/2025 , Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong xu hướng hội nhập tại Quảng Nam. Hội nghị được tổ chức với mục tiêu đánh giá tình hình thị trường chứng khoán của Việt Nam và đề ra những định hướng chiến lược và trọng tâm phát triển thị trường trong năm 2025, đồng thời tạo không gian để chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học trong quản lý, vận hành thị trường chứng khoán (TTCK),...

Thông tin từ ban tổ chức, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, những thách thức đặt ra về công tác quản lý, giám sát thị trường, việc xây dựng khung khổ pháp lý cho quản lý tài sản số, công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững,... là những vấn đề thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cũng như các chuyên gia, thành viên thị trường và nhà đầu tư.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận, dù chịu nhiều tác động từ tình hình chung của toàn cầu nhưng TTCK năm qua duy trì ổn định, an toàn, thông suốt, thanh khoản tốt và tính minh bạch, bền vững được tăng cường. Theo ông Thắng, Luật Chứng khoán sửa đổi đã được ban hành, các văn bản hướng dẫn luật hiện đang được đẩy nhanh hoàn thiện để tiếp tục tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp và các quy định tiệm cận các thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng lưu ý, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu rất quan trọng là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập. Đồng thời, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế.
Cùng với đó, TTCK cũng cần phải duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán,... Song song là xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.

“2025 là năm vừa phải phát triển nhanh, thiết lập nền tảng cho giai đoạn 2026 – 2030, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng bền vững”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Vì vây, trong thời gian tới, cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan đối tác trong khu vực và quốc tế, các tổ chức quốc tế và sự đồng lòng chung sức của các thành viên thị trường để huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế.
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam trong năm 2025: TTCK hướng tới kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán, xây dựng hệ thống quản lý giám sát thị trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế.
Về mục tiêu cụ thể, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu tối thiểu 47% GDP. Cùng với đó là tăng trưởng TTCK phát sinh khoảng 20%, phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút nhà đầu tư nước ngoài, có khoảng 50% trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ.
“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, những thách thức đặt ra về công tác quản lý, giám sát thị trường, việc xây dựng khung khổ pháp lý cho quản lý tài sản số, công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững… là những chủ đề thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý TTCK, chuyên gia, thành viên thị trường và nhà đầu tư”, ông Hải nhận định.
Nói về giải pháp phát triển thị trường, ông Hải cho rằng thời gian tới cần có tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho hoạt động của thị trường chứng khoán. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản lý giám sát của cơ quan quản lý, thực hiện các giải pháp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư.
Đặc biệt, tăng cung và đa dạng hóa hàng hóa trên thị trường và phát triển cơ sở nhà đầu tư. Song song là phát triển các thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, thị trường tài sản mã hóa,...