Nghiên cứu - Trao đổi

Thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 22/02/2025 04:30

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong thời gian tới và những năm tiếp theo, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Theo đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết Về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Nghị quyết nêu rõ, năm 2025 tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.

thuc-day-muc-tieu-tang-truong-21.2.2.jpg
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên - Ảnh minh họa

Đánh giá về mục tiêu đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, đây là một con số đầy thách thức do nhiều yếu tố tác động từ cả bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế. Và để hiện thực hóa được mục tiêu này, cần đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành, nền kinh tế thế giới năm 2025 có thể đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm xung đột địa chính trị, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và rủi ro biến đổi khí hậu. Ngoài ra, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra chậm chạp, trong khi các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm hơn so với năm 2024. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và xuất khẩu của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đề ra, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần bổ sung các giải pháp về thủ tục xuất nhập cảnh, visa, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch để nâng cao sức hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế. Đồng thời, cần triển khai kịp thời và chu đáo các chính sách hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương, lao động mất việc làm và dôi dư trong quá trình tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước. Song song đó, việc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

thuc-day-muc-tieu-tang-truong-21.2.1.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - PGS TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là sự suy giảm thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc. Nếu nhu cầu tại các thị trường này giảm, tốc độ tăng trưởng của các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, lạm phát vẫn là một mối lo ngại lớn. Trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực biến động mạnh, nếu Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiểm soát lạm phát, mặt bằng lãi suất cao có thể làm giảm động lực đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Cũng theo vị chuyên gia này, một yếu tố quan trọng khác là đầu tư công, vốn được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm do thủ tục hành chính phức tạp, vướng mắc pháp lý và hạn chế trong năng lực triển khai. Nếu không giải quyết được vấn đề này, Việt Nam sẽ khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như kỳ vọng.

Và để đạt mục tiêu GDP 8% trở lên, PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tinh gọn tổ chức và chống lãng phí. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải linh hoạt, vừa kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng mà không gây mất cân đối nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề mục tiêu tăng trưởng, không ít ý kiến cũng cho hay, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm bất ổn địa chính trị và căng thẳng quốc tế có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến xuất khẩu và thu hút FDI. Bên cạnh đó, sự phục hồi không đồng đều giữa các ngành kinh tế khiến tăng trưởng chưa đạt được sự ổn định và bền vững, trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất gia tăng, tiếp cận vốn hạn chế và sức mua trên thị trường chưa phục hồi mạnh mẽ.

Vì vậy, có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Đồng thời, cần ưu đãi thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu, công nghệ cao và khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Được biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025, tại Nghị quyết, Quốc hội cũng đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công;

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế; Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; Và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn