Big tech thị uy sức mạnh dưới bóng ông Trump
Thuế dịch vụ kỹ thuật số đánh vào các Big techs được ông Trump xem xét lại, đạo luật AI của EU bị CEO Meta và Google chỉ trích mạnh mẽ trước công chúng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu lật lại hồ sơ thuế “dịch vụ kỹ thuật số” (DTS) mà nhiều quốc gia đánh vào các công ty công nghệ lớn, như Apple, Amazon, Google và Meta. Con số có thể lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ.
Loại thuế này thường vào khoảng 1,5 - 7,5% và được đánh vào doanh thu có được từ các loại dịch vụ kỹ thuật số: quảng cáo trực tuyến, dữ liệu người dùng, tương tác giữa những người dùng có thể dẫn đến việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Các quốc gia áp dụng DST bao gồm Pháp, Vương quốc Anh, Italy, Canada, Ấn Độ... Tổng cộng khoảng 30 nước. Vương quốc Anh đang xem xét lại DST trị giá 700 triệu bảng Anh mỗi năm của mình và có khả năng rút lại để tránh các mối đe dọa trả đũa trước đó của ông Trump.
Nhiều quốc gia đã tạm dừng thuế DST của họ với hy vọng cải cách hệ thống đánh thuế DST theo quy định của OECD. Nhưng Tổng thống Trump đã rút khỏi cuộc đàm phán này. Điều đó đã thúc đẩy việc sửa đổi DST của Pháp, Italy, và DST của Bỉ được đề xuất lại. DST của EU đã bị tạm dừng, nhưng có khả năng sẽ được khôi phục.
Ngay lập tức, CEO Google và Meta đã lên tiếng chỉ trích ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) của châu Âu đang bị kìm hãm bởi quy định quá mức - điều này đã bổ sung thêm vào lời lẽ từ chính quyền của Donald Trump rằng các quy tắc công nghệ nghiêm ngặt của khu vực châu Âu đang kìm hãm sự đổi mới.
Nguồn gốc của định kiến này là rất nhiều sản phẩm tích hợp AI tiên tiến của các công ty Mỹ không bán được ở châu Âu vì không vượt qua được hệ thống pháp lý AI có phần chặt chẽ ở đây.
Ví dụ, chiếc kính mắt Ray-Ban của Meta, sử dụng AI để dịch lời nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác hoặc mô tả hình ảnh cho người khiếm thị. Chris Yiu, Giám đốc chiến lược của Meta nói rằng “Đây là một ứng dụng công nghệ sâu sắc và rất nhân văn, và nó chậm đến châu Âu vì những vấn đề mà chúng tôi gặp phải xung quanh quy định”.
.jpg)
Dưới sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ, các công ty Big tech đã tăng cường lời lẽ chống lại cách tiếp cận của EU đối với quy định về công nghệ và thúc đẩy những nỗ lực vận động hành lang nhằm làm dịu các khía cạnh của Đạo luật AI.
Liệu lần này Bigtech có thể làm phân rã đạo luật được xem là “rắn” nhất của EU? Dĩ nhiên cho đến khi Brussel cảm thấy phải thay đổi, hoặc những gói thuế liên tiếp ập đến cũng có thể khiến EU phải chiều lòng ông Trump và cộng sự.
Trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump, từ chỗ bị quy tội độc quyền, đe dọa an ninh quốc gia, vi phạm tiêu chuẩn dân chủ Mỹ, hệ thống Big tech đã có cú chuyển mình ngoạn mục trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump, trở nên thiện cảm trong mắt Tổng thống Trump.
Những Giám đốc điều hành các công ty công nghệ lớn như Elon Musk, Jeff Bezos, Sudar Pichai, Mark Zuckerberg, Tim Cook, Shou Zi Chew đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ đài thọ toàn bộ chi phí.
Nhiều nhà phân tích đã nhận định trước đó rằng ông Trump và những người quyền lực nhất thế giới công nghệ tại Mỹ đã thực sự trở thành liên minh kinh tế - chính trị. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu Tổng thống Mỹ sẽ thi triển nhiều chính sách có lợi cho nhóm doanh nghiệp này.