Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam (Kỳ III): đổi mới công nghệ và chuyển đổi số
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ thành động lực then chốt đưa nền kinh tế Việt Nam tiến vào kỷ nguyên số.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số thông qua các dự án đầu tư FDI và hợp tác chiến lược với các “ông lớn” toàn cầu như NVIDIA, Apple, Meta và Google. Gần đây, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và NVIDIA nhằm thành lập Trung tâm R&D và Trung tâm dữ liệu AI đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư, mở ra cơ hội bứt phá về công nghệ và chuyển đổi số.
.png)
Trong lĩnh vực bán dẫn, các tập đoàn FDI không chỉ tập trung vào mảng lắp ráp, đóng gói mà còn đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tạo ra giá trị gia tăng. Việt Nam được dự báo sẽ đạt từ 8-9% công suất ATP toàn cầu vào năm 2032, từ mức chỉ 1% vào năm 2022 - một con số cho thấy khả năng “nhảy vọt” về năng lực công nghệ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước như FPT, Viettel và VNChip đang đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất chip và tích hợp các giải pháp AI vào các sản phẩm và dịch vụ của mình. FPT đã đầu tư vào nhà máy thử nghiệm chip gần Hà Nội với mục tiêu nhân rộng quy mô sản xuất lên gấp ba vào năm 2026. Trong khi đó, Viettel đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy đúc chip đầu tiên của Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao giá trị sản xuất nội địa.
Những bước đi này đã giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời mở ra cơ hội đột phá trong chuyển đổi số. Các dự án đầu tư vào công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực AI và bán dẫn, được xem là “trụ cột” của nền kinh tế số. Chính phủ cũng đã và đang ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ mà còn đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong mô hình quản trị, văn hóa doanh nghiệp và kỹ năng của nguồn nhân lực. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể khi đứng thứ 5/10 tại khu vực ASEAN về Chỉ số Sẵn sàng Trí tuệ nhân tạo của Chính phủ năm 2023, theo báo cáo của Oxford Insights. Điều này chứng tỏ, dù còn nhiều thách thức, nhưng nền tảng công nghệ số của Việt Nam đang dần được cải thiện và hội nhập quốc tế.
.jpg)
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh tay trong việc cải thiện nguồn nhân lực kỹ thuật. Các chương trình đào tạo chuyên sâu, hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, cùng với các chương trình chuyển giao công nghệ quốc tế là chìa khóa để Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghệ cao. Chẳng hạn, FPT đã xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI với 20 triệu người dùng và 200 triệu lượt sử dụng mỗi tháng tại 15 quốc gia, minh chứng cho sức mạnh của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ vào đời sống và kinh doanh.
Ông Ted Osius, giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ khu vực ASEAN, khẳng định, chuyển đổi số là chìa khóa để Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm công nghệ của khu vực. Phát triển ngành bán dẫn và AI không chỉ thúc đẩy năng suất mà còn tạo ra nền tảng cho một nền kinh tế số vững mạnh.
Trong khi các chuyên gia từ HSBC cũng cảnh báo rằng, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam cần phải leo lên chuỗi giá trị sản xuất, tăng cường giá trị gia tăng nội địa thông qua việc cải tiến công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu.
Ngoài ra, Việt Nam đang tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng số, mở rộng mạng lưới 4G/5G và các trung tâm dữ liệu hiện đại. Các dự án như việc xây dựng các trung tâm dữ liệu và hợp tác với các tập đoàn toàn cầu như Google và Amazon đang góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho thị trường công nghệ của Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam không chỉ thu hút FDI mà còn trở thành “điểm đến” của các nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ.
Song, chuyển đổi số còn đòi hỏi sự đồng bộ giữa chính sách vĩ mô và thực tiễn doanh nghiệp. Việt Nam cần tiếp tục cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục và xây dựng hệ thống pháp lý minh bạch, ổn định để tạo điều kiện cho các dự án công nghệ cao phát triển bền vững. Các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn đầu tư và các quỹ hỗ trợ công nghệ cũng cần được cụ thể hóa và thực hiện một cách hiệu quả để giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và tăng cường đầu tư.
Nnìn chung, Việt Nam đang trên đà vươn lên trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực, khi chuyển đổi số và đầu tư vào công nghệ cao ngày càng được đẩy mạnh. Mặc dù còn nhiều thách thức về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chính sách ưu đãi, nhưng với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành “trung tâm AI - bán dẫn” của khu vực, góp phần đưa nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.