Đón sóng cổ phiếu ngành điện
Với sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời và lưu trữ năng lượng sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
Thay đổi cơ cấu nguồn điện
Mới đây, tại cuộc họp điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, các thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII (có điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung). Trên cơ sở này, Bộ Công Thương sẽ cập nhật, thực hiện hoàn thiện hồ sơ và quy trình theo quy định, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đề án đặt ra mục tiêu nâng tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước lên mức 183,291 - 236,363 MW vào năm 2030, tăng thêm từ 27,747 – 80,819 MW so với bản quy hoạch trước đó. Sự điều chỉnh này nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải điện trong giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến đạt từ 10,3% - 12,5%/năm.
Cơ cấu nguồn điện trong đề án mới có nhiều thay đổi đáng chú ý. Trong đó, nhiệt điện than được giữ nguyên ở mức 31,055 MW (chiếm 16,9% - 13,1%), còn nhiệt điện sử dụng khí trong nước vẫn duy trì ở mức 10,861 MW. Đáng chú ý, công suất nhiệt điện sử dụng LNG nhập khẩu giảm từ 13,576 MW xuống còn 8,824 MW do tiến độ các dự án chậm trễ.
Đáng chú ý, Đề án điều chỉnh nhấn mạnh sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và hệ thống lưu trữ năng lượng.
Đồng thời đưa ra lộ trình phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo nguồn điện chạy nền cho hệ thống. Trong giai đoạn 2030 - 2035, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với công suất 6.000 – 6.400 MW sẽ được vận hành. Đến năm 2050, hệ thống sẽ bổ sung thêm 4.500 – 5.000 MW tại miền Bắc và khoảng 3.000 MW tại miền Trung, chủ yếu là các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR).
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ tăng cường nhập khẩu điện với tổng công suất khoảng 9.360 MW, tăng gấp đôi so với quy hoạch trước đó. Hoạt động xuất khẩu điện dự kiến đạt từ 5.000 – 10.000 MW, với điều kiện đảm bảo hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Để đảm bảo cung ứng điện các năm tới với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức “2 con số”, việc rà soát, đánh giá khả năng phát triển các loại hình nguồn điện, điều chỉnh cơ cấu nguồn điện đặc biệt giai đoạn đến năm 2030, trong đó ưu tiên phát triển nguồn điện có thời gian thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt tại khu vực phía Bắc là cần thiết”.
Cổ phiếu tiềm năng
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.

Chính phủ hiện đang tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế để thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng đưa các dự án vào vận hành. Một số doanh nghiệp niêm yết có kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và sẽ hưởng lợi trực tiếp từ đề án này có thể kể đến như:
Thứ nhất, CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thành (TTA), sở hữu nhiều dự án điện gió và điện mặt trời đã đi vào vận hành, đồng thời tiếp tục mở rộng các dự án mới để đón đầu làn sóng phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ hai, CTCP Cơ điện lạnh (REE) với danh mục đầu tư đa dạng trong lĩnh vực thủy điện, điện gió và điện mặt trời, REE được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ sự hỗ trợ của chính sách.
Thứ ba, CTCP Điện Gia Lai (GEG) là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện mặt trời và điện gió đã hoạt động ổn định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như CTCP Bamboo Capital (BCG), CTCP Xây lắp Điện 1 (PC1), CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng được đánh giá là những lựa chọn hấp dẫn khi cơ chế hỗ trợ phát triển điện tái tạo được khơi thông.
“Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII không chỉ đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững. Với sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời và lưu trữ năng lượng sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn trên thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh đó, các cổ phiếu như TTA, REE và GEG được đánh giá là những lựa chọn tiềm năng cho các nhà đầu tư muốn đón đầu xu hướng phát triển của ngành điện Việt Nam”, ông Minh chia sẻ.
Có thể thấy các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành điện đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố rủi ro liên quan đến chi phí nguyên liệu và khả năng vận hành của các dự án lớn.