Nghiên cứu - Trao đổi

Giải pháp nào để kiểm soát nợ xấu?

Yến Nhung 23/02/2025 04:00

Nhiều ý kiến cho rằng, cần các chính sách hỗ trợ, cũng như tăng cường phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát nợ xấu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tổng số nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu cảnh báo rủi ro) tại các ngân hàng thương mại là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ. Con số này đã giảm 7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại. Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/12/2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023.

anh-t24-1-2.png
Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/12/2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023 - Ảnh: ITN

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, dù ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu song nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Do đó, việc thực hiện mục tiêu đưa đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% của Agribank gặp rất nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 1 năm thực hiện phương án cơ cấu lại Agribank. Trước tình trạng trên, đại diện Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa tài chính - ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi bày to lo ngại, bên cạnh các khoản nợ xấu hiện hữu, nợ xấu tiềm ẩn cũng là một mối lo ngại cho các ngân hàng. Nhiều khoản vay được cơ cấu lại trong giai đoạn khó khăn có nguy cơ chuyển thành nợ xấu nếu kinh tế không có sự phục hồi nhanh chóng. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng và duy trì thanh khoản.

Để xử lý hiệu quả và kiểm soát nợ xấu trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Huy đề xuất một số giải pháp toàn diện. Đó là các ngân hàng cần nâng cao tiêu chí xét duyệt khoản vay, dựa trên phân tích toàn diện năng lực tài chính và dòng tiền của khách hàng. Việc đảm bảo chất lượng tín dụng ngay từ đầu là yếu tố then chốt để giảm thiểu nguy cơ nợ xấu trong tương lai. Đồng thời, ngân hàng nên ứng dụng công nghệ hiện đại như Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện sớm các khoản vay tiềm ẩn rủi ro, từ đó đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, ngân hàng cần tham gia sâu hơn vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, hỗ trợ khách hàng hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc đưa các khoản nợ trở lại nhóm đủ tiêu chuẩn không chỉ giảm áp lực tài chính mà còn giúp duy trì mối quan hệ đối tác lâu dài.

“Thay vì chỉ là nhà cho vay, các ngân hàng nên trở thành đối tác chiến lược, cung cấp các gói giải pháp tư vấn toàn diện cho doanh nghiệp, từ phân tích cơ hội đầu tư đến quản trị rủi ro và tối ưu hóa dòng tiền. Mặt khác, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng là một cách tạo dòng tiền ổn định, giảm nguy cơ nợ xấu phát sinh”, ông Huy khuyến nghị.

12.jpg
Cần các chính sách hỗ trợ, cũng như tăng cường phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát nợ xấu - Ảnh: ITN

Ngoài ra, theo ông Huy, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ. Điều này không chỉ tăng tính thanh khoản mà còn giảm áp lực xử lý nợ cho các ngân hàng. Việc cung cấp thông tin minh bạch về tài sản đảm bảo và các khoản nợ xấu, giúp thị trường hoạt động hiệu quả và tăng niềm tin từ các nhà đầu tư.

“Với các giải pháp toàn diện và đồng bộ, ngành Ngân hàng hoàn toàn có thể vượt qua thách thức hiện tại, không chỉ kiểm soát được nợ xấu mà còn thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính quốc gia”, ông Nguyễn Quang Huy kỳ vọng.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng nợ xấu gia tăng, các ngân hàng phải xem lại quy trình tín dụng, việc xét hồ sơ tín dụng mới phải chặt chẽ. Bên cạnh đó, các ngân hàng nên tìm phương pháp để cho vay tín chấp thay vì thế chấp.

Theo ông Hiếu, kinh nghiệm tại Mỹ cho thấy, cho vay tín chấp an toàn hơn thế chấp vì các công ty có thể vay tín chấp là những doanh nghiệp hoạt động rất ổn định, báo cáo tài chính tốt. Ngân hàng dựa vào báo cáo tài chính để cho vay thay vì đòi hỏi tài sản thế chấp. Doanh nghiệp phải đảm bảo các chỉ tiêu về thanh khoản, đòn bẩy tài chính, lợi nhuận, dòng tiền rất tốt thì mới có thể vay tín chấp được.

“Chúng ta phải tính đến một nền kinh tế mà các ngân hàng cho vay tín chấp nhiều hơn dưới điều kiện các khách hàng vay có khả năng tín chấp”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Yến Nhung