Tín dụng - Ngân hàng

Hóa giải áp lực tỷ giá

Hà Anh 24/02/2025 3:49

Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ chịu nhiều áp lực trước sự mạnh lên của đồng USD do chính sách thuế quan của chính quyền Trump.

ti gia
Sau khi giảm giá gần 5% trong năm 2024, VND tiếp tục chịu nhiều sức ép ngay những ngày đầu năm 2025. Ảnh. Ngọc Thắng

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và sử dụng các công cụ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

USD đang quá mạnh

Đồng USD trên thị trường thế giới đã bật tăng trở lại sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Đà tăng giá của đồng bạc xanh vẫn tiếp diễn khi bước vào năm 2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế với Trung Quốc. Thậm chí có thời điểm, chỉ số đồng USD đã tiến sát ngưỡng 110 điểm, mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Hiện nay, chỉ số đồng USD vẫn đang xoay quanh ngưỡng 107,5 điểm, dù có giảm đôi chút so với thời điểm đầu năm nay, song vẫn là mức rất cao.

Theo các chuyên gia, việc đồng USD tăng giá xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do chính sách thuế quan và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ngăn cản quá trình tiếp tục giảm lãi suất của FED.

usd-.jpg

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, tất cả những kế hoạch của ông Trump tuyên bố trước và sau khi thắng cử đều nhấn mạnh sẽ áp thuế nhập khẩu rất mạnh lên hàng hóa của Trung Quốc và các nước thuộc top đầu xuất siêu vào Mỹ. Tuy nhiên, chính người dân Mỹ sẽ phải chịu sự trừng phạt đó, thành ra xảy ra tình huống “gậy ông đập lưng ông” và lạm phát có thể tăng lên mức rất cao.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ trục xuất hàng triệu người lao động bất hợp pháp. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động tại Mỹ, đẩy giá lao động và lạm phát tăng thêm. Chưa hết, dự kiến chính sách giảm thuế cho giới nhà giàu tại Mỹ có thể dẫn đến bội chi ngân sách của Mỹ tăng cao hơn. Để cân bằng bội chi ngân sách, Chính phủ Mỹ sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất cao… “Tất cả những yếu tố đó có thể buộc FED tăng lãi suất, tức xoay ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt để kiểm soát lạm phát”, ông Hiếu nhận định.

Trên thực tế, trong phát biểu điều trần vào ngày 11/2 vừa qua trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, FED sẽ không “vội vàng” giảm lãi suất do nền kinh tế Mỹ hiện vẫn đang rất mạnh, trong khi lạm phát dù đã dịu đi nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của FED.

Chiến lược phòng ngừa rủi ro

Đồng USD mạnh lên đã tạo nhiều sức ép đến tỷ giá USD/VND. Theo đó, sau khi giảm giá gần 5% trong năm 2024, VND tiếp tục chịu nhiều sức ép ngay những ngày đầu năm 2025 khi mà có thời điểm chỉ số đồng USD lập đỉnh 2 năm.

Không chỉ vậy, theo nhiều chuyên gia, trong từng thời điểm tỷ giá còn chịu áp lực từ cung – cầu ngoại tệ trong nước. Nếu xuất khẩu cải thiện, thu hút FDI tăng thì cung ngoại tệ cải thiện, điều hành tỷ giá thuận lợi. Song nếu xuất khẩu khó khăn, hoặc nhu cầu nhập khẩu tăng, tỷ giá sẽ gặp áp lực.

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu thuộc Ngân hàng UOB Singapore dự báo, trong năm 2025 VND có khả năng sẽ tiếp tục giảm so với USD: Tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 25.800 trong quý I/2025, 26.000 trong quý II/2025, 26.200 trong quý III/2025 và 26.000 trong quý IV/2025.

Để hóa giải áp lực tỷ giá, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Đặc biệt, phải quản lý tỷ giá linh hoạt, cho phép tỷ giá biến động trong một phạm vi nhất định để phản ánh sát diễn biến cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Đồng thời, tăng cường dự trữ ngoại hối để có thể can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Về định hướng điều hành chính sách tỷ giá năm 2025, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“NHNN theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Tú nhấn mạnh.

Tuy nhiên với diễn biến hiện tại, giới chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, đa dang hóa thị trường xuất nhập khẩu và vay mượn bằng đồng tiền nước đối tác để tránh phụ thuộc vào USD.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. “Hiện nay, các ngân hàng đang cung cấp khá nhiều công cụ phái sinh ngoại tệ để hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn,...”, một chuyên gia khuyến nghị.

Hà Anh