Chứng khoán

Động lực tăng trưởng và thời của "cổ phiếu vua”

Lê Mỹ 24/02/2025 13:05

"Cổ phiếu vua" - ngân hàng dù đã tăng khá tốt, nhưng định giá ở vùng tích lũy, còn không gian, động lực tăng trưởng lớn…

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% (đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp bất thường lần thứ 9, khóa XV), đây sẽ là động lực dẫn dắt thị trường chứng khoán đi lên và nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá trong 2025.

Chia sẻ tại talkshow về chủ đề “cổ phiếu vua” do FIDT tổ chức mới đây, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích FIDT khẳng định, trước hết thị trường chứng khoán năm 2025 theo dự báo của FIDT có thể khởi đầu tương đối khó khăn, nhưng chắc chắn về cuối năm sẽ là “quả ngọt”. Đây đương nhiên sẽ là năm còn nhưng yếu tố thách thức như thương chiến, tỷ giá, vốn ngoại... khiến thị trường vẫn đang đi ngang, tích lũy nhưng định giá tương đối ở mức hấp dẫn. Lợi nhuận của toàn thị trường dự báo sẽ ở mức khoảng 15-17% bao gồm cả nhóm ngân hàng.

Cổ đông của nhiều doanh nghiệp sẽ nhận cổ tức trong tháng 2/2025
Xu hướng định giá của cổ phiếu ngân hàng có thể thấy P/B ở thời điểm hiện tại đang rất thấp so với các chu kỳ lịch sử từ 2019. Ảnh minh họa

Với những ai tham gia thị trường đã lâu, câu chuyện nâng hạng thị trường với chuẩn FTSE đến rất gần và đó sẽ là động lực của thị trường. Bởi chưa có năm nào như năm qua khối ngoại bán ròng nhiều như vậy, lên tới gần 100 nghìn tỷ. Nếu tính trên 200 phiên giao dịch của thị trường trong năm, thì đâu đó trung bình mỗi phiên trong năm khối ngoại đều bán ròng 400-500 tỷ đồng. Theo đó, việc đến gần với chuẩn nâng hạng hứa hẹn hứa hẹn một sức hút mới, dòng tiền mới từ khối ngoại vào thị trường, ông Huy nhận định.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 với động lực dẫn dắt từ đầu tư công, theo ông Huy sẽ mang đến bức tranh lạc cho triển vọng TTCK trong năm nay.

Nói riêng về động lực cho cổ phiếu ngân hàng, theo ông Đoàn Minh, Trưởng phòng Nghiên cứu Đầu tư FIDT, trong những phiên giao dịch gần đây, dòng tiền vẫn có sự phân hóa và tương đối có sự lan tỏa, đặc biệt dòng tiền chảy vào nhóm vừa và nhỏ (midcap và small cap). Trong bối cảnh như vậy, cổ phiếu ngân hàng - nhóm cổ phiếu nhiều mã blue-chip/ large cap và chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN30 thực tế vẫn có những câu chuyện đáng kỳ vọng.

Cụ thể hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% sẽ là động lực dẫn dắt thị trường chứng khoán đi lên và nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá trong 2025.

Ông Tuấn phân tích, để đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế hiện tại là 8% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt 16%, tương đương với 2 đồng tín dụng đổi 1 đồng tăng trưởng. Do đó, luận điểm chính để đầu tư ngành ngân hàng trong năm nay là tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốc để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Điều này hàm ý rằng để tăng trưởng tín dụng cao so với chu kỳ trước thì Chính phủ phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để người dân “hấp thụ” được tín dụng.

bank.jpg

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh yếu tố rủi ro từ việc khó giảm lãi suất cho vay trong năm nay. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% sẽ tạo áp lực thanh khoản nhưng không quá lớn. Theo FIDT, lãi suất vì vậy sẽ nhích dần lên vào năm 2025, song chỉ tăng ở mức phù hợp vì định hướng của Chính phủ là vẫn là duy trì nới lỏng. Trong khi đó, lãi suất cho vay trong 2025 có thể sẽ tăng lên nhanh hơn so với chi phí vốn của các ngân hàng giúp biên lợi nhuận cho vay sẽ càng lúc càng cải thiện trong 2025.

Điều này sẽ ngược với xu hướng của 2024 khi các ngân hàng đã chịu hẹp NIM, giảm lợi nhuận để giữ lãi suất vay ở mặt bằng thấp. Năm 2025, FIDT dự phóng NIM hệ thống sẽ quanh 3,5-3,6% vào cuối năm, và có sự phân hóa trong việc mở rộng NIM

Theo FIDT, các ngân hàng có CASA cải thiện, chiến lược cho vay phù hợp, thì sẽ là ngân hàng tận dụng tốt nhất điều kiện của ngành và thị trường.

Như vậy, để nhận diện ngân hàng nào có biên lãi ròng cải thiện tích cực so với trung bình ngành, thì tỷ lệ CASA và chiến lược cho vay, phân khúc khách hàng có tốt hay không, là những điểm cần chú ý.

Trên cơ sở bức tranh chung, FIDT đưa ra 2 yếu tố tích cực đối với triển vọng KQKD ngành ngân hàng năm nay. Thứ nhất, lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục cao song hành với tăng trưởng kinh tế. Trong 2025, FIDT dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng khoảng 18% - mức cao nhất 3 năm trở lại đây, cao hơn dự phóng lợi nhuận toàn thị trường 15-17%.

Thứ hai, chất lượng tài sản của ngành sẽ tiếp tục cải thiện. Chuyên gia cho rằng 2024 là năm tiền tăng trưởng, tức là hưởng lợi từ nhiều Chính sách của chính phủ để doanh nghiệp và nền kinh tế, người dân có thể hưởng lợi từ đầu tư công tăng lên liên tục, chính sách tiền tệ nới lỏng. Năm 2025 dự báo là nền kinh tế bắt đầu đi vào giai đoạn tăng trưởng.

Định giá của ngành ngân hàng, theo FIDT, dù tăng khá song vẫn đang ở trong vùng tích lũy, chưa về mức trung bình 5-10 năm và như đã nêu, không gian tăng trưởng trong 2025 vẫn rất lớn. Bên cạnh tiềm năng tăng trưởng, trên cơ sở xem xét định giá ngân hàng, có cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư “thắng thị trường” đối với danh mục "cổ phiếu vua" khi sàng lọc xét theo tiêu chí: Tăng trưởng kinh doanh, khả năng sinh lợi, thanh khoản và chất lượng tài sản.

Một số cổ phiếu được FIDT đánh giá cao, có CTG, MBB, TCB, STB và HDB, dựa trên các tiêu chí này.

Lê Mỹ