VCCI

9 giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Đình Đại 24/02/2025 16:32

Chuyển đổi xanh là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp, nhưng cũng mang đến cơ hội để thúc đẩy sự đổi mới và bảo vệ môi trường.

Tại Hội thảo “Lập kế hoạch và Thực hành phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG”, nằm trong khuôn khổ Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành 4.0 – CEO 2024, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Khu vực TP HCM (VCCI – HCM) tổ chức, ông Phạm Hoài Trung – Cố vấn trưởng của SBBTi Việt Nam, Founder – Azitech & Greengo đã nêu 9 giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, cụ thể:

_dsc6660.jpg
Ông Phạm Hoài Trung – Cố vấn trưởng của SBBTi Việt Nam, Founder – Azitech & Greengo - Ảnh: Đình Đại.

Một là, đánh giá tác động. Xác định và đánh giá tác động của hoạt động kinh doanh lên chuyển đổi xanh. Bao gồm đo lường khí thải carbon gây ra bởi các hoạt động của doanh nghiệp. Xác định và đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng như sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, vận hành hệ thống và các hoạt động hàng ngày. Tác động tiềm năng lên môi trường, bao gồm sự ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, nước và không khí,...

Hai là, đặt mục tiêu giảm khí thải. Dựa trên đánh giá hiện trạng, doanh nghiệp cần thiết lập mục tiêu giảm lượng khí thải. Mục tiêu này cần phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia và quốc tế về chuyển đổi xanh. Sau đó xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để đạt được mục tiêu giảm khí thải đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu giảm khí thải, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp như tối ưu hóa quy trình và công nghệ sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu suất năng lượng, quản lý chất thải một cách khoa học. Đồng thời, việc tăng cường ý thức và đào tạo nhân viên về quản lý môi trường và các biện pháp giảm khí thải cũng là yếu tố quan trọng.

Ba là, quản lý chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu và lựa chọn các nhà cung cấp có cam kết và thực hiện các biện pháp bền vững về môi trường. Chẳng hạn như ưu tiên các nhà cung cấp có tiêu chuẩn quản lý môi trường, sửdụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu lượng chất thải.

Việc tối ưu hóa quá trình vận chuyển và lưu trữ cũng là một phần quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp có thể tìm cách giảm thiểu khoảng cách vận chuyển, tối ưu hóa tải trọng và sửdụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Đồng thời, tối thiểu hóa lượng hàng tồn kho và sử dụng các biện pháp lưu trữ hiệu quả cũng giúp giảm thiểu lượng chất thải và tiêu thụ năng lượng.

Doanh nghiệp nên thúc đẩy ý thức về môi trường và biến đổi khí hậu trong toàn bộ chuỗi cung ứng, khuyến khích các đối tác thực hiện các biện pháp bền vững và chia sẻ thông tin về các thành tựu, thách thức liên quan đến chuyển đổi xanh.

Bốn là, thiết kế xanh và bền vững. Thiết kế xanh và bền vững trong văn phòng doanh nghiệp là một chiến lược quan trọng nhằm tối ưu hóa môi trường làm việc, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng cường hiệu suất và sự bền vững của doanh nghiệp.

Điểm chính của chiến lược này bao gồm sử dụng vật liệu và nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, thiết kế thông thoáng và sử dụng ánh sáng tự nhiên, hệ thống quản lý năng lượng thông minh, xây dựng không gian xanh, quản lý chất thải hiệu quả, sử dụng nước và vật liệu tái chế, và tuân thủ các tiêu chuẩn và chứng nhận xanh.

Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng chiến lược này không chỉ mang lại môi trường làm việc lành mạnh và thú vị cho nhân viên mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và tăng sự uy tín và giá trị của doanh nghiệp trong cộng đồng.

_dsc6663.jpg
Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành 4.0 – CEO 2024 do VCCI - HCM tổ chức - Ảnh: Đình Đại.

Năm là, tăng cường hiệu suất năng lượng. Đầu tư vào công nghệ (Công nghệ đo lường liên tục) và thiết bị tiết kiệm năng lượng để giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất và vận hành. Cụ thể: Thứ nhất, thực hiện kiểm toán năng lượng: Đây là bước đầu tiên để xác định các khu vực và thiết bị tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trong doanh nghiệp.

Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp phù hợp để tiết kiệm năng lượng; Thứ hai, đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng: Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng như bóng đèn LED, máy móc công nghiệp hiệu quả cao có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể lượng năng lượng tiêu thụ; Thứ ba, thay đổi thói quen sử dụng năng lượng: Nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên về tiết kiệm năng lượng thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Khuyến khích tắt các thiết bị điện khi không sửdụng, sử dụng phương tiện di chuyển tiết kiệm nhiên liệu; Thứ tư, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo: Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, năng lượng gió,... để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính; Thứ năm, áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng: ISO 50001 là một tiêu chuẩn quốc tế về quản lý năng lượng, giúp doanh nghiệp xây dựng và triển khai một hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả.

Sáu là, xúc tiến sản phẩm/dịch vụ xanh. Phát triển các sản phẩm/ dịch vụ có tác động thấp đến khí hậu. Có thể bao gồm việc sử dụng nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào công nghệ xanh. Song đó, doanh nghiệp cũng cần thiết lập các đối tác chiến lược và hợp tác với các tổ chức môi trường, các nhà nghiên cứu để tăng cường khả năng phát triển và tiếp cận thị trường của sản phẩm/dịch vụ xanh.

Bảy là, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Đầu tư vào năng lượng tái tạo và năng lượng xanh như: năng lượng mặt trời và gió để cung cấp cho hoạt động kinh doanh. Đầu tư vào các hệ thống năng lượng tái tạo: Đây là bước quan trọng nhất để giảm thiểu lượng khí thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác. Doanh nghiệp có thể lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hoặc các hệ thống năng lượng tái tạo khác trên mái nhà, khuôn viên nhà máy,...

Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả: Áp dụng các biện pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, ví dụ như nâng cấp thiết bị, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, tắt đèn và các thiết bị điện khi không sử dụng.

Hợp tác với các nhà cung cấp năng lượng tái tạo: Ký hợp đồng mua điện từ các nhà cung cấp năng lượng tái tạo hoặc tham gia vào các chương trình khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo của chính phủ.

Tám là, hướng đến mô hình kinh tế xanh. Các hoạt động kinh tế truyền thống thường thải ra lượng lớn khí nhà kính, góp phần làm gia tăng chuyển đổi xanh. Mô hình kinh tế xanh khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu tiêu hao năng lượng, áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính.

Kinh tế xanh hướng đến sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp như tái chế, tái sử dụng vật liệu, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Việc hướng đến mô hình kinh tế xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp như giảm chi phí vận hành, tạo ra cơ hội kinh doanh mới, tăng cường uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp trong cộng đồng và thị trường.

Chín là, xây dựng văn hóa thúc đẩy ý thức về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cần xây dựng chính sách và quy trình nội bộ, nhằm khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách bền vững. Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về môi trường xanh cho cán bộ, nhân viên, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và trách nhiệm của bản thân. Truyền thông nội bộ thường xuyên về các hoạt động bảo vệ môi trường xanh của doanh nghiệp, khuyến khích nhân viên chia sẻ ý tưởng và hành động tích cực.

Đình Đại