Bán dẫn Việt Nam - "Đứng trên vai người khổng lồ"
Việt Nam đứng trước cơ hội "trăm năm" để bứt phá trong ngành bán dẫn, nhưng cần học hỏi từ những “người khổng lồ” và chú trọng đào tạo để khai thác trí tuệ người Việt.

Là một quốc gia đang vươn lên, Việt Nam cần “đứng trên vai người khổng lồ” để tăng tốc đổi mới sáng tạo, theo GS, TS Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore).
“Với các dân tộc nhỏ, sáng tạo đầu tiên nên là học hỏi sao cho thấu đáo văn minh của nhân loại, trí tuệ của nhân loại. Sáng tạo không hẳn là phải đi tìm những thứ quá mới mẻ, dù điều đó cũng rất tuyệt vời,” ông Khương nói tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu (Vietnam Global Innovation Connect – VGIC 2025), do AVSE Global – Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (Pháp) và Ban Liên lạc Cộng Đồng Người Việt Nam tại Singapore (VNAS) tổ chức từ ngày 20-22/2/2025 tại Singapore.
Với góc nhìn đó, ngành bán dẫn có thể là “bờ vai” vững chắc để Việt Nam làm điểm tựa khi đất nước đang có những lợi thế nhất định. Trong không gian của Google Châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia hàng đầu trong ngành khẳng định, mâu thuẫn địa chính trị thế giới và nội lực tiềm tàng đang tạo cho Việt Nam cơ hội "trăm năm có một” để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Vấn đề là: Chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
ATP - bước đầu vững chắc
Để trả lời câu hỏi này, mảng đóng gói - kiểm thử (ATP) được ông Lê Quang Đạm, Giám đốc Marvell Technology Việt Nam, gợi ý.
“Khi Việt Nam đang cố gắng phát triển công nghệ tiên tiến, chúng ta trước hết nên tập trung vào mảng ATP, nơi đã có sự hiện diện của nhiều công ty lớn như Intel, Amkor, hay Hana Micron” ông Đạm nhận định khi thảo luận về vai trò của Việt Nam trong ngành chip.
Việt Nam có thể coi Singapore như một hình mẫu. Bằng chính sách thu hút đầu tư khôn ngoan và xây dựng nhân lực chất lượng, quốc đảo này ngày nay chiếm tới hơn 10% sản lượng bán dẫn toàn cầu, 20% thiết bị ngành và 5% năng lực sản xuất tấm wafer.
“Với xuất phát điểm này, chúng ta có thể tận dụng được lợi thế chi phí thấp (như Nhật Bản từng làm) và hướng tới liên tục học hỏi và phát triển công nghệ,” lãnh đạo công ty thiết kế chip nổi tiếng của Mỹ nhận xét.

Trong ngành công nghiệp bán dẫn, ba thành phần chính gồm thiết kế vi mạch (IC design), sản xuất (fabrication), và đóng gói - kiểm thử (ATP). Trong đó, mảng sản xuất hiện đang là trọng tâm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc. Chưa tính tới chi phí xây dựng hàng tỷ USD, đảm bảo một quy trình sản xuất và linh kiện đầy đủ cho các cơ sở (fab) hoạt động trơn tru đang là bài toán đau đầu của các công ty công nghệ hàng đầu như TSMC hay Samsung. Với nguồn lực hạn chế, Việt Nam nên xem xét lĩnh vực này trong chiến lược dài hạn.
Theo ông Đạm, tập trung vào ATP không chỉ giúp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong ngành, mà còn tránh được rủi ro từ những cuộc thương chiến giữa các cường quốc.
Nhìn xa hơn về tương lai – thiết kế IC
Ông Samuel Ang, Giám đốc khu vực ASEAN của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp rằng người Việt Nam rất thông minh, học rất nhanh. “Tôi thường lấy các bạn ra làm ví dụ. Vì vậy, không có nghi ngờ gì về chất lượng nguồn nhân lực”, ông Samuel Ang cho biết.
Điều này gợi mở một hướng đi xa hơn cho tương lai bán dẫn Việt Nam, nơi thiết kế IC có thể trở thành một lĩnh vực mũi nhọn. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), ngành thiết kế IC chiếm tỷ trọng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ tính riêng quý 1 của 2024, doanh thu của mảng này đã lên tới 137,7 tỷ USD.
Nếu có sự đầu tư đúng đắn vào nhân lực, công nghệ và hệ sinh thái bán dẫn, Việt Nam không chỉ có cơ hội trở thành trung tâm thiết kế chip tiềm năng mà còn có thể góp phần định hình tương lai ngành công nghiệp vi mạch khu vực và thế giới.
Tại Marvell Việt Nam, ông Đạm cho biết đang mở rộng lộ trình sản phẩm tại Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực viễn thông như 4G và 5G. Với vai trò là nhà thiết kế và phát triển IC cho nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm trung tâm dữ liệu, mạng, lưu trữ, ô tô và công nghiệp, Marvell Technology có thể là một trong số những "người khổng lồ" để Việt Nam hướng tới để học hỏi những kĩ thuật tiên tiến.
“Marvell cũng đang làm việc trên các công nghệ IC tiên tiến nhất. Hiện nay, chúng tôi đang phát triển công nghệ 7nm, 4nm, 3nm và thậm chí một số công ty còn nghiên cứu công nghệ 2nm," ông Đạm nói.
Ông Đạm chia sẻ, ông tự hào vì đội ngũ 400 kỹ sư của công ty tại Việt Nam đều là người Việt. Đó chính là minh chứng cho sức mạnh nội lực của Việt Nam trong bản đồ bán dẫn quốc tế.
“Khi tôi còn làm việc bên Mỹ những năm 2010, nhiều người cho rằng kỹ sư Việt Nam chỉ có thể làm các công việc đơn giản như kiểm định, chứ không phải khâu thiết kế - trái tim của ngành vi mạch bán dẫn. Nhưng rốt cuộc, chúng ta đã làm được, không chỉ một mà còn mọi lĩnh vực trong quá trình thiết kế vi mạch, từ lên ý tưởng, làm kiến trúc, hay thiết kế,” ông nói.
“Nếu có thể xây dựng lòng đam mê cho các bạn trẻ với chiến lược đào tạo đúng đắn, tôi tin trong tương lai không xa Việt Nam hoàn toàn có chỗ đứng vững chắc trong bản đồ bán dẫn thế giới,” Giám đốc Marvell Việt Nam kết luận.