Quảng Trị: Doanh nghiệp mong mỏi cơ chế mới để “Tây tiến”
Cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Trị nhiều cơ hội để vươn mình về phía Tây, nhưng vẫn còn nhiều rào cản pháp lý thuộc về chủ quan lâu nay không được tháo gỡ.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 11/2024 đến Quảng Trị - đã mang đến xung lực mới cho địa phương. Trung ương đã quan tâm sâu sát hơn và có những chỉ dẫn cụ thể cho Quảng Trị “lấy đà” bứt lên.
Mới đây, ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành chương trình hành động triển khai các thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng. Có các giải pháp đột phá để nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tích cực cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục thu hút đầu tư.
Đặc biệt là chính sách để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư sang Lào. Với Quảng Trị và các tỉnh bạn Savannakhet, Salavan đã có mối quan hệ đa dạng, truyền thống và thâm tình. Nổi bật nhất là hoạt động xuất nhập khẩu qua CKQT Lao Bảo, CKQT La Lay.
Hoạt động thương mại biên mậu tại Quảng Trị với Lào không đơn thuần mang tính tự phát như trước đây, đã gắn với chiến lược phát triển chung mang tầm quốc gia và khu vực. Trên bình diện vĩ mô Quảng Trị tọa lạc vị trí huyết mạch của Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối nhiều nền kinh tế Đông Nam Á với Biển Đông, Trung Quốc, Bắc Mỹ.
Ví dụ, việc khai thác hàng trăm triệu tấn than đá tại Lào trung chuyển qua Quảng Trị giúp đảm bảo an ninh năng lượng nước ta, đồng thời mở ra con đường thương mại tổng hợp kích thích phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, logictics toàn khu vực Miền Trung.

Ông Hà Sỹ Đồng cho biết “Quảng Trị sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương xây dựng “Đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị gắn với tăng cường hợp tác với các tỉnh của Lào để mở rộng không gian phát triển về phía Tây”.
Nhiều chuyên gia đã đến Quảng Trị đưa ra khuyến nghị, rằng: Trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế hiện nay, doanh nghiệp phải được đặt vào vị trí mũi nhọn. Nói cụ thể hơn, khi và chỉ khi thật nhiều doanh nghiệp hai nước được sinh ra và trưởng trong không gian kinh tế chung; được thụ hưởng môi trường kinh doanh minh bạch, cơ chế hiện đại, khoa học,…khi ấy Quảng Trị mới thực sự chuyển mình bền vững.
Đơn cử, hợp tác kinh tế Việt - Lào tăng tốc giúp thay da đổi thịt vùng rừng núi biên giới hoang vu. Tiềm năng hiện hữu, quy mô đóng góp CKQT La Lay ngày càng lớn; thu hút rất nhiều doanh nghiệp lớn như: Cty THHH Nam Tiến, Cty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, Tập đoàn Sơn Hải, MTIP, VSIP, Sumimoto, Amata, Tập đoàn T&T, LIG,… đổ tiền xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, công nghiệp, năng lượng.
Nếu nhìn nhận kỹ hơn, mới thấy đây là bước phát triển có tính “bước nhảy” với địa phương, rằng: danh xưng miền đất “gió Lào cát trắng” dần lùi vào quá khứ; nhận xét “quy mô doanh nghiệp tại địa phương hầu hết nhỏ và siêu nhỏ” không hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, nếu sâu sát hơn nữa với doanh nghiệp, vẫn còn đó nhiều vướng mắc tồn tại lâu nay, đặc biệt là độ lệch pha luật pháp kinh doanh giữa Việt Nam và Lào, hạ tầng giao thông, thủ tục pháp lý, môi trường đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị cho rằng: Về thủ tục XNK hàng hóa xuyên biên giới hai nước tương đối thuận lợi nhưng có những mặt hàng nhỏ lẻ của tiểu thương - phía bạn Lào chưa thật sự tạo điều kiện. Ví dụ: như hàng tạp hoá hay hải sản, sản phẩm đặc trưng địa phương Quảng Trị.
Đặc biệt khó khăn nhất hiện nay là vận tải. Hiệp hội doanh nghiệp đã báo cáo và kiến nghị nhiều lần về vấn đề này trong nhiều cuộc họp và hội nghị, hội thảo về vấn đề xe không tải từ Việt Nam qua Lào để vận chuyển hàng của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất tại Lào về Việt Nam đang bị gây khó khăn, chịu nhiều thủ tục quá rườm rà của Lào làm tăng chi phí.
Thậm chí hiện nay có nhiều cửa khẩu còn cấm xe tải không chở hàng của Việt Nam nhập cảnh vào Lào. Ngược lại xe tải Lào ra vào Việt Nam thì bình thường không vấp phải một khó khăn nào! Đây là vấn đề rất bức bách, khiến doanh nghiệp cảm thấy môi trường cạnh tranh chưa công bằng.
Ông Hoàng cho biết thêm thực trạng xuống cấp hạ tầng đường bộ: Hiện tại quốc lộ 15D nhiều đoạn nhỏ hẹp, mặt đường hư hỏng nặng, độ nghiêng lớn, khúc cua gấp. Từ tháng 01/2025 - 18/02/2025 đã xảy ra 3 vụ làm lật xe.
Gửi gắm nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Hoàng mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp sâu vào vấn đề pháp lý vận tải và khắc phục tuyến đường 15D cho xứng tầm với tên gọi Cửa khẩu quốc tế La Lay nối với cảng nước sâu Mỹ Thuỷ.