Thị trường

Hà Nội: 80% lô đất đấu giá tại Hà Đông bị bỏ cọc

Phương Uyên 13/03/2025 01:00

Phiên đấu giá 27 lô đất tại quận Hà Đông (Hà Nội) vào tháng 10/2024 đến nay đã hết hạn nộp tiền nhưng có tới 22 lô đất (khoảng 80%) bỏ cọc.

Theo thông tin từ đại diện ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông, tới nay đã hết thời hạn nộp tiền sử dụng đất kể từ phiên đấu giá 27 lô tại phường Phú Lương vào tháng 10/2024. Tuy nhiên chỉ có 5 lô đã được khách hàng nộp tiền đầy đủ.

dau gia
Tình trạng đấu giá đất cao rồi bỏ cọc tiếp tục được "báo động". Ảnh: DH

Được biết, tổng số tiền thu về sau khi quận Hà Đông đấu giá 27 lô đất là gần 58 tỷ đồng vì chỉ có 5 khách hàng nộp đủ tiền sử dụng đất sau khi công nhận kết quả trúng đấu giá. Tổng số tiền bỏ cọc đối với 22 thửa đất là hơn 7 tỷ đồng. 22 lô đất bỏ cọc còn lại và sẽ được cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra đấu giá trong thời gian tới.

Trước đó, cuộc đấu giá 68 thửa đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai có số lượng kỷ lục trên 4.200 hồ sơ với hơn 1.500 người tham dự. Lô đất được trả giá cao nhất có giá lên tới 100,5 triệu đồng/m2. Lô thấp nhất cũng được trả giá 52 triệu đồng/m2. Mức giá trên đều gấp từ 5 đến 8 lần so với giá khởi điểm từ 8,6 đến 12,5 triệu đồng/m2.

Dù giá cao như vậy, nhưng ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá, nhiều thửa đất đã được chào bán với mức chênh từ 200 - 600 triệu đồng. Có thửa đất đã được mua đi bán lại, nhưng chủ yếu là diện tích nhỏ, trả giá thấp. Tạo sốt ảo qua đấu giá và lướt sóng không thành công, 55 trường hợp trúng đấu giá đã bỏ cọc khi đến hạn nộp tiền.

Để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi có hiệu lực 1.1.2025 đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá tại Điều 70. Theo đó, với trường hợp giao, cho thuê đất để thực hiện dự án, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm.

Trường hợp cá nhân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc theo đó được quy định tại Luật Đất đai. Theo Nghị định 102 hướng dẫn Luật Đất đai 2024, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong 120 ngày sẽ bị hủy kết quả và mất tiền cọc.

Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã siết quy định với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất khi người tham gia hoặc trúng đấu giá sẽ bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thông đồng, móc nối với đấu giá viên, đơn vị tổ chức đấu giá... nhằm dìm, nâng giá hay làm sai lệch kết quả.

banggiadat.jpg
Cần xác định lại giá đất khởi điểm để ngăn tình trạng thổi giá, lướt cọc. Ảnh: LV

Nhằm tránh tình trạng thông đồng, dìm giá hay "quân xanh, quân đỏ", người tham gia không được nhận ủy quyền từ người khác để đấu giá cùng tài sản đó. Vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng bị cấm tham gia phiên đấu giá với cùng một tài sản.

Những quy định mới này được kỳ vọng góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, hạn chế tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị để trục lợi trong đấu giá tài sản.

Về phía TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi tới các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó nhấn mạnh việc hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.

Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất. Công an cũng cần đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc.

UBND TP Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.

Phương Uyên