Kinh tế địa phương

Lào Cai: Điểm nhấn kinh tế cửa khẩu

Oanh Linh 16/03/2025 11:56

Xây dựng và phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp (KCN) được Lào Cai xác định là 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đường dây tải điện cao thế phục vụ sản xuất tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng.
Đường dây tải điện cao thế phục vụ sản xuất tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 3 KCN đang hoạt động là Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới và Tằng Loỏng. Trong đó, KCN Bắc Duyên Hải hiện có 63 dự án đang hoạt động ổn định. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 166 tỷ đồng, chiếm 0,86% giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN.

Thu hút đầu tư vào các KCN

KCN Đông Phố Mới có 42 dự án đang hoạt động; năm 2024 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 259 tỷ đồng,chiếm 1,35% giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN.

KCN Tằng Loỏng là KCN tuyển khoáng, luyện kim, phân bón, hóa chất lớn nhất của cả nước, đến nay đã thu hút được 29 dự án đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó có 21 dự án đang hoạt động ổn định, 3 dự án đang xây dựng, 3 dự án đang tạm dừng hoạt động. Trong năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của các nhà máy đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, chiếm 94% giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN và chiếm 43,7% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Tại KCN Tằng Loỏng, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch phân khu KCN Tằng Loỏng, tỉ lệ 1/2000 nhằm thống nhất hóa phạm vi, ranh giới, diện tích, quy mô sử dụng đất toàn KCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sử dụng đất trong KCN.

Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 390/KH-UBND về việc phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó Lào Cai sẽ thành lập 04 khu công nghiệp gồm: KCN Cốc Mỳ - Trịnh Tường, KCN Bản Qua (huyện Bát Xát), KCN Võ Lao (Văn Bàn), KCN Cam Cọn (Bảo Yên).

Trong đó, Khu công nghiệp Võ Lao (quy mô 1.000ha, giai đoạn 1 là 200ha) được quy hoạch là Khu công nghiệp đa ngành với công nghệ hiện đại, tiên tiến, trong đó tập trung ngành nghề cơ khí, chế tạo, điện tử, điện lạnh, công nghiệp phụ trợ và chế biến sâu, gia tăng giá trị các sản phẩm đã sản xuất tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng; Khu công nghiệp gia công, chế biến (diện tích 107,5ha) được quy hoạch là khu phát triển dịch vụ logistics, gia công, đóng gói, gia công chế tạo kỹ thuật cao..

Hiện nay tỉnh Lào Cai đang thực hiện quy hoạch, từng bước hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng và tích cực thu hút đầu tư vào các KCN trên.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là khu kinh tế duy nhất ở phía Bắc có cửa khẩu quốc tế nằm trong thành phố.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là khu kinh tế duy nhất ở phía Bắc có cửa khẩu quốc tế nằm trong thành phố.

Hình thành trung tâm logistics hiện đại

Theo quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lào Cai được mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan - đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa giữa Lào Cai và Vân Nam, gồm Bản Quẩn - Sơn Yêu, Na Lốc - Mã Hoàng Pao, Lồ Cô Chin - Lao Kha, Hóa Chư Phùng - Seo Pả Chư, Lũng Pô - Lũng Pô Chải và lối thông quan Y Tý - Ma Ngán Chải.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cửa khẩu thông minh giúp nâng cao năng lực thông quan, giảm chi phí logistics qua các cửa khẩu. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đang hướng tới việc hình thành Cảng cạn Kim Thành, Cảng cạn quốc tế Bản Vược, cùng các trung tâm logistics hiện đại trên biên giới. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông qua biên giới Việt - Trung.

Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 20/12/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1620/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, đối với Lào Cai, trong thời gian tới, kinh tế cửa khẩu tiếp tục đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.

Tỉnh Lào Cai xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu năm 2025 và những năm tiếp theo là đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh gắn với hệ thống kho ngoại quan và cảng tập kết, lưu giữ hàng hóa xuất - nhập khẩu công nghệ cao; khu phức hợp kho ngoại quan thương mại điện tử và kho bưu chính quốc tế để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, giảm thời gian thông quan, nâng cao hiệu quả logistics cho doanh nghiệp.

Hiện nay, các cơ quan liên quan nỗ lực hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2045, để có cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, tạo quỹ đất thu hút đầu tư; Kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án phức hợp cảng cạn, logistics, kho ngoại quan, kho bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hoá...

Năm 2024, kinh tế cửa khẩu có đóng góp rất quan trọng, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai, với tổng giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu ước đạt 3,625 tỷ USD (tăng 68% so với năm trước).

Oanh Linh