Sửa đổi thuế thu nhập cá nhân: Kỳ vọng tăng thu nhập, thúc đẩy cống hiến
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay và thông qua vào tháng 5/2026.
Đây là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình cải cách thuế, hướng đến mục tiêu vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp.

Cần thiết thay đổi
Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định việc hoàn thiện chính sách Thuế TNCN là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu của cải cách lần này không chỉ là đảm bảo nguồn thu ngân sách mà còn tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Để đạt được điều đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, xem xét lại ngưỡng thu nhập chịu thuế và cải cách biểu thuế lũy tiến đang trở thành yêu cầu cấp thiết.
Thực tế cho thấy, hệ thống thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội. Một trong những vấn đề lớn nhất là mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu so với tốc độ tăng chi phí sinh hoạt. Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại được áp dụng từ năm 2020 (11 triệu đồng/tháng đối với cá nhân và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc), nhưng trong bối cảnh giá cả leo thang, đặc biệt là chi phí giáo dục, y tế và nhà ở, nhiều người lao động đang phải gánh chịu mức thuế cao hơn so với thu nhập thực tế của họ.
Bên cạnh đó, thuế suất lũy tiến hiện tại cũng khiến không ít người rơi vào bẫy thuế. Khi mức lương tăng nhẹ theo lạm phát, thu nhập của họ có thể nhảy vọt lên nhóm thuế suất cao hơn mà không có sự điều chỉnh phù hợp, khiến khoản thu nhập thực nhận sau thuế không tăng đáng kể. Điều này vô hình trung tạo ra áp lực tâm lý đối với người lao động và có thể làm giảm động lực làm việc, cống hiến.
Bài học từ thế giới và hướng đi cho Việt Nam
Nhiều quốc gia đã có những bước đi tích cực trong việc cải cách thuế để kích thích tiêu dùng. Ví dụ, Mỹ và nhiều nước châu Âu liên tục điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo lạm phát để đảm bảo thu nhập thực tế của người dân không bị bào mòn. Đây là bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo để đảm bảo chính sách thuế luôn phù hợp với thực tiễn.
Có thể khẳng định, việc sửa đổi chính sách Thuế TNCN không chỉ là bài toán cân đối ngân sách, mà còn là yếu tố quan trọng để giữ chân nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Một hệ thống thuế hợp lý sẽ giúp người lao động có thêm động lực cống hiến, tạo ra nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước áp lực cạnh tranh về nhân lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và tài chính. Khi mức thuế TNCN cao, thu nhập thực tế của người lao động bị giảm sút, tạo ra tâm lý e ngại, thậm chí dẫn đến làn sóng dịch chuyển nhân lực sang các quốc gia có chính sách thuế linh hoạt và ưu đãi hơn.
Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia đã triển khai các chính sách thuế hấp dẫn để thu hút nhân tài. Singapore áp dụng mức thuế suất lũy tiến tối đa 22%, nhưng đồng thời có nhiều ưu đãi thuế cho các chuyên gia nước ngoài. Ngược lại, Việt Nam đang áp dụng mức thuế tối đa 35% đối với người có thu nhập cao, cộng với các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công đoàn, khiến tổng thu nhập thực nhận bị giảm đáng kể.
Nếu không có sự điều chỉnh hợp lý, Việt Nam có thể mất đi lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia liên tục tìm kiếm những thị trường hấp dẫn để đặt trụ sở và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D).
Giải pháp cân bằng gánh nặng thuế
Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất là mở rộng cơ sở thuế thay vì chỉ tập trung tăng thuế đối với nhóm người làm công ăn lương. Tại hội thảo về cải cách Thuế TNCN tổ chức ngày 14/3 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên xem xét đánh thuế đối với tài sản thừa kế, bất động sản và thu nhập từ đầu tư tài chính.
Hiện nay, một lượng lớn tài sản được chuyển nhượng qua các thế hệ nhưng chưa bị đánh thuế, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng thuế thừa kế để đảm bảo công bằng xã hội. Việc đánh thuế hợp lý vào các khoản thu nhập từ đầu tư chứng khoán, bất động sản cũng là cách để phân bổ gánh nặng thuế công bằng hơn, thay vì chỉ dồn lên người lao động.
Việc cải cách Thuế TNCN không chỉ đơn thuần là thay đổi mức giảm trừ gia cảnh hay điều chỉnh biểu thuế lũy tiến. Đây cần là một chiến lược dài hạn, giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống thuế công bằng, hợp lý, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vừa tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp phát triển.
Nếu thực hiện đúng hướng, chính sách thuế mới sẽ không chỉ giúp người dân có thu nhập cao hơn, mà còn kích thích tiêu dùng, thu hút đầu tư và tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển mình, trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhân tài và doanh nghiệp toàn cầu.
Có thể khẳng định, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN lần này không chỉ là điều chỉnh về con số, mà còn là cơ hội để thiết kế một chính sách thuế công bằng, hợp lý và bền vững. Mọi sự thay đổi đều cần dựa trên dữ liệu thực tế, có sự tham vấn đầy đủ từ giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Việc giảm áp lực thuế cho người lao động không chỉ cải thiện sức mua mà còn khuyến khích sản xuất, đầu tư, tạo động lực cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025, đồng thời tiến tới mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Với lộ trình sửa đổi kéo dài đến năm 2026, dư luận kỳ vọng dự thảo lần này sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ, hướng đến một hệ thống thuế thực sự công bằng, minh bạch và phù hợp với thực tiễn kinh tế – xã hội.