Bình Phước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước được tổ chức ngày 23/3/2025 tại Quảng trường 23 tháng 3, TP.Đồng Xoài. Chương trình dự kiến có khoảng 1.500 khách mời.
Sáng 14/3/2025, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo về các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975 - 23/3/2025).

Theo Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Phước, hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước diễn ra với nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật:
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (8h00 ngày 23/3/2025 tại Quảng trường 23 tháng 3 - Quảng trường tỉnh).
Công bố biểu trưng (logo) tỉnh Bình Phước, vinh danh, tri ân tác giả, trao giải tuyển chọn ca khúc tiêu biểu về tỉnh Bình Phước và phát động giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025 (19h30 ngày 18/3/2025 tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh).
Tổ chức Sân chơi tìm tài năng năm 2025 tuyên truyền ca khúc cách mạng với chủ đề: “Bình Phước - 50 năm một bản hùng ca”.
Liên hoan văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước lần thứ VII (diễn ra từ ngày 12 - 14/3/2025, tại Trung tâm Văn hoá tỉnh).
Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân và Giải việt dã truyền thống tỉnh Bình Phước (vào lúc 6h30 ngày 16/3/2025 tại Trung tâm Văn hoá tỉnh).

Chương trình nghệ thuật thời trang “Ngày mới trên Sóc Bom Bo” (20 giờ 00 ngày 21/3/2025 tại Khu bảo tồn Văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng). Đây là chương trình thời trang thổ cẩm, thể hiện vẻ đẹp tinh tế được kết tinh qua bao đời của đồng bào S’tiêng, M’nông. Không chỉ dừng lại ở trang phục, chương trình còn tôn vinh các nghề thủ công truyền thống như đan lát, cồng chiêng, rượu cần… Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người S’tiêng, M’nông, đồng thời giới thiệu rộng rãi nét đẹp thổ cẩm đến với công chúng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, là các hoạt động truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch chào mừng kỷ niệm trên địa bàn tỉnh và nhiều hoạt tri ân, họp mặt khác.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Phước nhấn mạnh, các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước có ý nghĩa sâu sắc nhiều mặt, vừa giáo dục truyền thống cách mạng, vừa tri ân công lao cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đóng góp xây dựng quê hương Bình Phước, vừa động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo các chương trình, kế hoạch đã đề ra; vừa tạo ra không khí phấn khởi, đoàn kết, nhất trí cao, tiếp thêm sức mạnh để tỉnh Bình Phước cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tỉnh Bình Phước được giải phóng ngày 23/3/1975. Sự kiện đã góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam và các binh đoàn chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Qua nửa thế kỷ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Phước đã vượt qua những khó khăn, thử thách, nỗ lực xây dựng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng; thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GRDP 28 năm qua của tỉnh luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước. Năm 2024, tỉnh ghi nhận tốc độ tăng GRDP đạt 9,32%, cao nhất khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 11 cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm. Nếu như năm 1997 chỉ đạt 2,2 triệu đồng thì đến năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng, tăng hơn 49 lần. Các nhu cầu hưởng thụ vật chất, văn hóa của người dân cơ bản được đáp ứng, kể cả khu vực nông thôn. Thực hiện phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới, sau gần 15 năm xây dựng, đến nay toàn tỉnh có 79/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6/19 tiêu chí nông thôn mới.
Trong suốt chặng đường phát triển đó, những nét đẹp văn hóa truyền thống từ cộng đồng 41 dân tộc trong cả nước đến Bình Phước sinh sống được tỉnh phục dựng, bảo tồn, phát triển. Bình Phước hiện có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 07 di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 25 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 47 di tích được xếp hạng (05 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc qua và 30 di tích cấp tỉnh). Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Bình Phước được phục dựng, bảo tồn.