Chính trị - Xã hội

Giải ngân vốn đầu tư công: Không để tiền “nằm chờ”

Nguyễn Thu Hà 25/03/2025 15:11

Cần làm nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, dù ngân sách đã bố trí nhưng không thể triển khai hiệu quả.

Sáng 25/3, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công của 3 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long thuộc Tổ công tác số 5.

phottg bui thanh son
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công của 3 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long thuộc Tổ công tác số 5 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.

Trước thực trạng chậm giải ngân, Chính phủ đã thành lập 7 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư công.

Năm 2025, tổng vốn đầu tư công được giao cho ba bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 là 55.641 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước chiếm 43.308 tỷ đồng, vốn nước ngoài 2.917 tỷ đồng.

Đến nay, tỷ lệ giải ngân của các đơn vị này đạt 7,74% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình cả nước (7,32%). Tuy nhiên, vẫn còn hai bộ, cơ quan và sáu địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới mức trung bình, cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy tiến độ.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu chỉ rõ nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, làm rõ vì sao dù có nguồn lực nhưng không thể triển khai, có tiền mà không tiêu được. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo từ các bộ, ngành và địa phương cho thấy nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, các dự án triển khai ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của nước sở tại, nhiều dự án cao tốc thiếu vật liệu san lấp, và một số dự án còn chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để làm căn cứ thực hiện.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong triển khai một số dự án vẫn chưa hiệu quả. Một số dự án khởi công mới cần thêm thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư, trong khi việc tạm dừng các dự án xây dựng trụ sở cấp huyện, cấp xã cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành và địa phương đều khẳng định quyết tâm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu của Chính phủ. Đáng chú ý, tỉnh Long An đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025.

Nhiều địa phương cũng đưa ra các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Một số địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài vốn đầu tư công năm 2024 sang năm 2025 đối với các dự án chưa hoàn thành. Tỉnh Bến Tre đề nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn triển khai các dự án khi chuyển giao cho đơn vị chủ quản mới. Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau kiến nghị cần có cơ chế xử lý nguồn vật liệu phục vụ các công trình giao thông trọng điểm, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công.

Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp đã báo cáo về tiến độ và định hướng sửa đổi Luật Đầu tư công cùng các nghị định liên quan. Đồng thời, các bộ cũng cập nhật quá trình xây dựng Nghị định mới về vốn ODA và các quy định liên quan đến thủ tục quyết toán kinh phí giải phóng mặt bằng.

Việc sửa đổi các quy định pháp lý nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện tại, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao nỗ lực của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, cam kết đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án đường cao tốc.

Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đồng thời xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng quý, từng tháng. Các đơn vị cần chủ động đánh giá tình hình thực hiện, phân bổ vốn hợp lý, kịp thời điều chuyển nội bộ cho các dự án có nhu cầu, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được giao.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung xử lý nhanh chóng các vướng mắc phát sinh, bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư và ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.

Về số vốn chưa phân bổ tính đến ngày 15/3/2025, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương báo cáo, đề xuất phương án xử lý, gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng cũng giao các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp chủ động nghiên cứu, xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền, nhằm hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyễn Thu Hà