Cá nhân hóa trải nghiệm du lịch
Du lịch cá nhân hóa đã và đang trở thành xu hướng nổi bật thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách.
"Du lịch cá nhân hóa" là cách thức thiết kế hành trình dựa trên sở thích, nhu cầu và mong muốn riêng biệt của từng cá nhân hoặc nhóm du khách. Theo đó, thay vì chọn các tour cố định với lịch trình cứng nhắc, du khách sẽ có cơ hội tạo ra chuyến đi riêng biệt. Các ứng dụng thông minh và với trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến đã giúp cho việc lên kế hoạch du lịch từ việc chọn điểm đến, thời gian, hoạt động, cho đến phong cách nghỉ dưỡng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Không chỉ vậy, công nghệ thực tế ảo (VR) còn cho phép du khách "thử nghiệm" trước các điểm đến, giúp bạn quyết định chính xác hơn về hành trình của mình.

Nhìn nhận về xu hướng du lịch, PGS TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, sau dịch Covid-19, xu hướng du lịch có nhiều thay đổi, trong đó xu hướng cá nhân hoá lên ngôi. Du khách sẽ có nhu cầu du lịch theo nhóm nhỏ như gia đình, bạn bè, hoặc tự trải nghiệm.
Theo ông Phạm Hồng Long, du khách sẽ chuộng những trải nghiệm thực tế khám phá thiên nhiên, văn hoá bản địa, du lịch chăm sóc sức khỏe. Ông cũng cho rằng, có rất nhiều người chọn du lịch tự túc và đây sẽ là thách thức để các đơn vị doanh nghiệp du lịch phải nâng cấp dịch vụ, sản phẩm cả về giá và trải nghiệm mới.
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo thúc đẩy xu hướng cá nhân hóa trong du lịch. Để tiết kiệm chi phí, xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ sẽ giúp khách linh hoạt hơn về giờ giấc và có thể trải nghiệm cá nhân, thưởng thức ẩm thực vùng miền, món ăn đường phố. Bên cạnh đó, ông Đạt cho rằng, khách du lịch cũng ngày càng quan tâm đến các hoạt động du lịch gắn với bảo vệ môi trường, văn hóa và cộng đồng.
Xu hướng du lịch cá nhân hóa theo CEO AZA Travel là khách du lịch không đi đầy đủ những điểm nổi tiếng, truyền thống mà dành nhiều thời gian hơn ở những điểm đến yêu thích. Bên cạnh đó, du lịch điện ảnh, du lịch âm nhạc, tức là đến các vùng miền, trường quay của những bộ phim "hot trend"; tham gia chương trình lưu diễn của các ngôi sao âm nhạc tên tuổi tại các địa phương, khu nghỉ dưỡng cũng trở thành sản phẩm hút khách, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các mắt xích cùng tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch.
Báo cáo của Lux Report cho biết 68% cố vấn du lịch cùng chung ý kiến rằng yếu tố gia đình đóng vai trò là động lực chính trong các kế hoạch du lịch năm 2025. Khách du lịch ngày càng chú trọng đến cảm giác, tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh những chuyến đi và điểm đến, thay vì chăm chăm vào danh sách check-in vô hồn. Cảm giác phấn khởi, ấn tượng khó quên và hòa mình vào thiên nhiên là nguồn cảm hứng chính cho các chuyến đi.
Với lợi thế lớn về sự hiểu biết điểm đến trong nước, doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc tối ưu hóa các sản phẩm dịch vụ theo hướng cá nhân hóa trải nghiệm địa phương của du khách, một trong những yêu cầu quan trọng của thị trường khách du lịch cá nhân.
Theo các chuyên gia, năm 2025, các tour du lịch sẽ không còn quá “khuôn mẫu” mà sẽ được thiết kế linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân của từng người. Ví dụ như ở Đà Lạt (Lâm Đồng) có vô số trải nghiệm từ cắm trại giữa rừng thông, hái dâu tây, đến các tiệm cà phê độc đáo, Đà Lạt có thể tùy chỉnh các chuyến đi cho du khách thích yên tĩnh hoặc khám phá thiên nhiên. Hay như ở Hội An (Quảng Nam) du khách có thể tham gia các hoạt động như làm đèn lồng, nấu ăn cùng người dân địa phương hoặc chèo thuyền thúng trên sông Cổ Cò…, tất cả đều có thể cá nhân hóa theo sở thích của từng người. Các tour trekking qua những bản làng người dân tộc thiểu số ở Sapa (Lào Cai)…
Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22 – 23 triệu lượt khách quốc tế, 120 – 130 triệu lượt khách nội địa. Đây là mục tiêu cao trong bối cảnh ngành Du lịch đang đối diện nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với nỗ lực của toàn ngành, ngành du lịch tin tưởng có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng đặt ra.