Gỡ rào cản tiếp cận vốn để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá
Để gỡ rào cản tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần một cơ chế vay vốn linh hoạt hơn, dựa trên tiềm năng thị trường và hiệu quả kinh doanh thực tế.
Xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng đạt khoảng 6,91 triệu tỷ đồng, tăng 14,72% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2.746.308 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023.

Dù đạt được những kết quả tích cực, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn vay. Thực tế, chất lượng tín dụng trong khu vực này được đánh giá tốt, rủi ro thấp và an toàn cao. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa (chiếm tới 98%), nên khả năng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn nhiều rào cản.
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp nhỏ, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Hằng Khai chia sẻ, công ty này thực sự gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng.
“Là một doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, tài sản thế chấp của công ty không nhiều. Dù hoạt động kinh doanh vẫn có lãi và đơn hàng ổn định, nhưng vì không có đủ tài sản đảm bảo, hồ sơ vay vốn của chúng tôi liên tục bị từ chối hoặc chỉ được duyệt với số tiền rất thấp, không đủ để mở rộng sản xuất", bà Hằng chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo đại diện này, báo cáo tài chính của công ty dù minh bạch nhưng vẫn bị đánh giá là chưa đủ sức thuyết phục do quy mô doanh nghiệp nhỏ. Ngân hàng thường yêu cầu nhiều giấy tờ, hồ sơ chứng minh năng lực tài chính và dự án kinh doanh khả thi, nhưng để hoàn thiện đủ các thủ tục đó lại tốn rất nhiều thời gian và chi phí - điều mà doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi khó đáp ứng.
“Nếu không có cơ chế linh hoạt hơn trong xét duyệt hồ sơ vay vốn hoặc các quỹ tín dụng hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp sẽ rất khó trụ vững, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, bà Nguyễn Thị Hằng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp nhỏ khác cũng cho rằng quy trình thẩm định khoản vay quá phức tạp và kéo dài. Ngân hàng thường yêu cầu kế hoạch kinh doanh chi tiết, dự đoán doanh thu, lợi nhuận trong 3-5 năm tới. Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhỏ, thị trường biến động nhanh, rất khó đưa ra con số dự báo chính xác như vậy. Điều này vô tình khiến hồ sơ vay vốn bị đánh giá là không đủ tính khả thi, rất cần một cơ chế vay vốn linh hoạt hơn, dựa trên tiềm năng thị trường và hiệu quả kinh doanh thực tế, chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp hay hồ sơ tài chính hoàn hảo.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động thay đổi. Trong đó, minh bạch tài chính được xem là điều kiện tiên quyết. Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống báo cáo tài chính rõ ràng, chuẩn mực và nên có kiểm toán độc lập. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng uy tín với ngân hàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia các chuỗi cung ứng lớn. TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, các ngân hàng cũng sẽ nỗ lực huy động nguồn vốn lớn hơn và cải tiến các sản phẩm, dịch vụ dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là những sản phẩm phù hợp với yêu cầu hiện tại của nhóm doanh nghiệp này.
“Họ sẽ tập trung phát triển các sản phẩm dựa nhiều hơn vào doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bởi vậy, các doanh nghiệp này cần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động, cải thiện trình độ quản trị và năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn, họ cần chứng minh tiềm năng, kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, đảm bảo khả năng sinh lời và khả năng hoàn trả vốn cho ngân hàng", TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.