Xây dựng Luật Thương mại điện tử: Cần có quy định bảo vệ người kinh doanh nhỏ lẻ
Để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và bền vững, góp ý xây dựng Luật Thương mại điện tử, một số ý kiến cho rằng, cần có quy định bảo vệ người kinh doanh nhỏ lẻ…
Trong những năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế. Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024, doanh số TMĐT bán lẻ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Cùng với đó, số lượng gian hàng trực tuyến cũng tăng mạnh, với khoảng 650.000 cửa hàng có phát sinh đơn hàng trên các sàn TMĐT.

Tuy nhiên, song song với cơ hội kinh doanh rộng mở, người bán hàng trên các sàn TMĐT, đặc biệt là các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ (tiểu thương) đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Khi thị trường TMĐT dần định hình, quyền lực tập trung vào một số nền tảng lớn, tạo ra sự chênh lệch đáng kể về quyền lực giữa người bán và sàn thương mại điện tử.
Nếu như trước đây, các nền tảng thương mại điện tử sẵn sàng hỗ trợ người bán để thu hút họ tham gia, thì nay, khi thị trường đã định hình, sự phụ thuộc vào nền tảng trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Tiểu thương không chỉ đối mặt với các chính sách thay đổi đột ngột mà còn bị hạn chế quyền tiếp cận dữ liệu và mất khả năng thương lượng.
Thực tế thời gian qua, việc TikTok Shop tăng “phí hoa hồng” từ 1-3% lên 1-4% với gian hàng thông thường và từ 1-5,78% lên 1,21-7,7% với gian hàng chính hãng. Trong khi đó, Shopee nâng phí cố định từ 4% lên mức cao nhất 10%, đồng thời cắt bỏ một số gói hỗ trợ miễn phí trước đây và thu phí cố định vận chuyển trả hàng, đã và đang khiến nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể bị đẩy ra khỏi thị trường, làm giảm sự đa dạng của hệ sinh thái TMĐT.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và bền vững, một số ý kiến cho rằng, cần có chính sách chỉnh hợp lý, cân đối lợi ích giữa để bảo vệ, hỗ trợ người bán.
Liên quan đến vấn đề này, góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khác so với thị trường truyền thống, TMĐT có mối quan hệ phức tạp hơn với sự đan xen tương tác lẫn nhau của các chủ thể: người bán hàng hóa dịch vụ – sàn TMĐT – người tiêu dùng – các chủ thể khác (bên vận chuyển, thanh toán…).
Theo VCCI, pháp luật TMĐT hiện nay tập trung chủ yếu vào các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tương ứng với đó là trách nhiệm của người bán và sàn TMĐT. Trong khi đó, pháp luật dường như lại “bỏ ngỏ” quyền và lợi ích của một chủ thể quan trọng khác – người bán hàng hóa dịch vụ.
Năm 2024, có 650.000 gian hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT có phát sinh đơn hàng trên TMĐT. Doanh số của 5 sàn TMĐT hàng hoá phổ biến năm 2024 đạt 318.900 tỷ đồng. Sự phát triển này cho phép các nền tảng nắm giữ nhiều lợi thế quan trọng mà có thể tạo ra sự chênh lệch đáng kể về quyền lực trong quan hệ TMĐT.
Cụ thể, các nền tảng lớn có số lượng người dùng lớn sẽ hưởng lợi từ hiệu ứng mạng, cho phép giá trị của nền tảng ngày càng lớn. Các nền tảng như vậy có quyền lực lớn trên thị trường.
Cũng theo VCCI, bên cạnh đó, các nền tảng có khả năng thu thập, phân tích dữ liệu người dùng để cải thiện dịch vụ và tối ưu hoá doanh thu. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn dữ liệu tương tự, khiến họ mất đi lợi thế cạnh tranh.
Nguy cơ phụ thuộc vào nền tảng: người bán có thể gặp khó khăn trong việc chuyển đổi kênh bán hàng khi chỉ một số ít nền tảng lớn và thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã được định hình.
Trong khi đó, người bán trên các sàn TMĐT phần lớn là hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ. Khác với mối quan hệ giữa các thương nhân theo Luật Thương mại – nơi các bên có thể tự do thỏa thuận và đạt được sự bình đẳng trong giao dịch, người bán nhỏ lẻ trên TMĐT thường ở vị thế yếu hơn nhiều so với các nền tảng TMĐT.
Họ có thể dễ bị áp đặt các chính sách bất lợi và mất khả năng thương lượng, như thay đổi điều khoản đột ngột, bị đình chỉ hoặc cấm mà không có lý do rõ ràng, hạn chế tiếp cận dữ liệu… các hành vi này có thể ảnh hưởng bất lợi với cá nhân kinh doanh nhỏ, đưa vào vào tình thế bị động và dần “bào mòn” sức khỏe và nhiệt huyết kinh doanh của họ.
“Luật Cạnh tranh 2020 đã tạo ra hành lang pháp lý để xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Đây là cơ chế rất tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên, các hành vi bất lợi kể trên có thể diễn ra mà không cần có thoả thuận hay ở vị trí thống lĩnh. Đây là “khoảng hở” giữa pháp luật cạnh tranh và thực tiễn hoạt động thương mại điện tử”, VCCI bày tỏ.
Và từ những phân tích đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung chính sách về bảo vệ quyền lợi cho người bán trên nền tảng TMĐT.
“Chính sách này không nên tập trung vào quy định hành chính. Thay vào đó, các quy định nên tập trung vào tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của sàn TMĐT đối với người bán, đảm bảo khả năng tiếp cận dữ liệu kinh doanh và quyền tự do thương lượng của người bán”, VCCI góp ý.