Tạo đà cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp, nâng cao cạnh tranh sản phẩm và đẩy nhanh công nghiệp hóa.

Việc phát triển CNHT được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nỗ lực trong chuỗi cung ứng
Việc triển khai hóa định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển các lĩnh vực thuộc ngành CNHT là nhiệm vụ hết sức đúng đắn, chính xác và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp bởi chính sự thiếu hụt các ngành CNHT của doanh nghiệp chính là “thị phần bỏ ngỏ” đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam và từ đó có thể “len chân” vào thị phần chế biến – chế tạo CNHT của thế giới. Hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT. Theo số liệu ước tính tính hình sản xuất các sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành như sau: Chế tạo ô tô: Nội địa hóa đạt khoảng 5-20%; Điện tử: Nội địa hóa đạt khoảng 5-10% ; Da giầy: Nội địa hóa đạt khoảng 30%; Dệt may: Nội địa hóa đạt khoảng 30%; Công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao 1-2%; Cơ khí chế tạo khác: Nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.
Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0.2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, 70% thành viên đến từ ngành kỹ thuật cơ khí, trong đó nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị, hệ thống tự đông hoá, phần mềm cho ngành chế biến chế tạo. Từ đặc thù: khách hàng lớn đầu tiên của ngành là doanh nghiệp sản xuất xe máy Nhật Bản tại Việt Nam cùng với dung lượng thị trường hạ nguồn lớn, quy định nội địa hoá của Chính phủ, CNHT cho ngành xe máy phát triển mạnh nhất ở Việt Nam. Thời gian đầu, doanh nghiệp CNHT gặp nhiều khó khăn liên quan đến chi phí sản xuất, khác biệt về hệ thống quản lý, hệ thống tiêu chuẩn… Trong quá trình hợp tác với sự chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà sản xuất trong nước đã từng bước phát triển năng lực và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Giai đoạn phát triển mới với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp cao như công nghiệp ô tô, bán dẫn, năng lượng xanh… đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp CNHT tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi các tập đoàn lớn chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.
Tạo đà phát triển từ “bệ đỡ” chính sách
Trong gần 4 năm qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội đã triển khai chương trình phát triển sản xuất nhằm nâng cao năng lực, cải thiện năng lực sản xuất để các doanh nghiệp CNHT có khả năng cung ứng sản phẩm phức tạp. Cùng với nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Hiệp hội trong việc nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, trong giai đoạn phát triển hiện nay khi Đảng và Chính phủ tập trung các chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân góp phần thúc đẩy tăng trưởng cao, ngành CNHT Việt Nam cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. CNHT là ngành rất khó cạnh tranh, lợi nhuận thấp, trong thời điểm này, quan trọng nhất là đảm bảo đầy đủ đầu vào cho sản xuất với 3 điểm cần Chính phủ tập trung tháo gỡ.
Thứ nhất, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn vì theo các quy định về điều kiện vay vốn vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT. Đề nghị giao nhiệm vụ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị đầu mối chủ đạo để tài trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Thứ hai, là ngành cần đất trong các khu công nghiệp nên hạ tầng đất đai, mặt bằng sản xuất cho CNHT phải sẵn sàng và giá rẻ hơn. Đất đai cũng là lĩnh vực Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nhưng doanh nghiệp tiếp cận ưu đãi khá khó khăn, không hiệu quả. Thứ ba, thúc đẩy đào tạo nhân lực để khắc phục tình trạng thiếu lao động tại các khu công nghiệp.
Về lâu dài, cần phát triển “sếu đầu đàn” là các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước sản xuất sản phẩm cuối cùng; đồng thời khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp CNHT để doanh nghiệp trong nước dần dần làm chủ “cuộc chơi”, tiếp cận chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm của cho doanh nghiệp CNHT trong nước.
Đồng thời, cần sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ hoặc Luật Công nghiệp với các chính sách, cơ chế ưu đãi phù hợp dành cho ngành công nghiệp lớn nhằm thúc đẩy đầu tư vào CNHT, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia. Một số nội dung quan trọng và cấp thiết cần thể hiện trong Luật là những quy định thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT phát triển, cắt giảm thủ tục hành chính chồng chéo nhằm giảm chi phí không chính thức, phát triển các ngành vật liệu cho sản xuất CNHT như thép chế tạo, nhựa kỹ thuật, cao su kỹ thuật, vải sợi, da giày…