Tín dụng - Ngân hàng

Lãi suất huy động giảm tiếp trên diện rộng

Lê Mỹ 26/03/2025 14:00

Từ đầu tháng 3 tới nay, có 19 NHTM trong nước đã thực hiện giảm lãi suất huy động. Trước đó, nhiều NHTM trong nước cũng đã giảm lãi suất ngay sau cuộc họp với NHNN.

Cụ thể, 19 NHTM trong nước đã thực hiện giảm lãi suất huy động trong tháng 3 gồm: Kiên Long, Bắc Á, Việt Á, PGBank, Lộc Phát, Quốc dân, Sài gòn- Hà nội, Nam Á, VIB, VCBNeo, Eximbank, BIDV, Techcombank, Vikki, MBV, OCB, Công thương Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, An Bình.

Doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục gia hạn lâu dài chương trình giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02. Ảnh minh họa
Các ngân hàng thương mại trong nước tiếp tục giảm lãi suất trên diện rộng. Ảnh minh họa

Các NHTM trong nước đi đầu trong thực hiện giảm lãi suất huy động ngay sau cuộc họp với NHNN từ 25/2/2025, gồm: Bản Việt, MSB, Vietbank, Sài Gòn Công thương, VIB, Bảo Việt…

Theo thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính chung đến cuối tháng 3/2025, các NHTM đã giảm lãi suất huy động tích cực trên diện rộng, mức giảm phổ biến là 10-20 điểm cơ bản.

Trong đó, ở góc độ chính sách của nhà điều hành, đáng chú ý, từ đầu tháng 3/2025, NHNN dừng hẳn hoạt động phát hành tín phiếu và vẫn duy trì kênh hỗ trợ thanh khoản qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). “Việc tăng kỳ hạn cho vay OMO trong khi giữ nguyên lãi suất thể hiện việc sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho hệ thống khi cần”, theo bà Trần Gà My, Phòng phân tích của VDSC.

Số liệu cho thấy tại ngày 24/3/2025, quy mô cho vay cầm cố giấy tờ có giá xấp xỉ 80 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 76% là cho vay kỳ hạn 7-14 ngày, còn lại 24% cho vay kỳ hạn 28-91 ngày.

Cũng tính đến 25/4, NHNN đã chuyển sang trạng thái bơm ròng trong tháng 3 2025 thay vì hút ròng trước đó, đạt quy mô 17,25 nghìn tỷ đồng.

omo.jpg
NHNN duy trì hỗ trợ thanh khoản qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá.

Động thái này của NHNN cho thấy trước hết, NHNN đang hướng về mục tiêu muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế. Theo đó, tác động tích cực giúp tăng thanh khoản hệ thống ngân hàng, giảm áp lực lãi suất, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích FIDT bình luận.

Ngoài ra, theo thống kê VDSC, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay VND có xu hướng giảm dần về cuối tháng. Chỉ số DXY suy giảm đáng kể trong tháng 3/2025. Trong khi đó, tỷ giá USD-VND tiếp tục tăng, dù vậy, áp lực mất giá tiền đồng vẫn ở mức chấp nhận được (0,5-1,0% so với đầu năm 2025), VDSC cho biết.

Với diễn biến này, một lưu ý là chênh lệch lãi suất VND-VND vẫn có khoảng cách rộng.

VDSC cũng lưu ý, rủi ro Việt Nam bị áp thuế quan đối ứng do yếu tố thâm hụt thương mại lớn với Mỹ vẫn còn hiện hữu, và là yếu tố khiến áp lực tỷ giá có thể gia tăng trong ngắn hạn. Mức thuế quan có qua có lại của chính quyền Trump 2.0 được công bố ngày 2/4 sắp tới có khả năng sẽ thu hẹp hơn kế hoạch ban đầu, tuy nhiên, mức độ và quốc gia mục tiêu vẫn chưa rõ ràng, đồng thời, thuế quan có thể sẽ nghiêng về việc thực hiện ngay lập tức.

Trong một số thông tin đáng chú ý gần nhất, giới đầu tư kỳ vọng chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ sẽ chỉ tập trung vào những quốc gia có thâm hụt thương mại song phương cao với nước này. Thông tin ngày 25/3, Chính quyền Mỹ đã bổ sung hàng chục thực thể nước ngoài vào danh sách hạn chế thương mại, một động thái được cho nhắm đến 80 thực thể thuộc nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Iran và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, các quốc gia có thâm hụt thương mại vẫn sẽ nằm trong “tầm ngắm” gần của thuế đối ứng. Phương án tiếp cận của Việt Nam để cân bằng thương mại theo đó cũng đã và đang được đánh giá cao về tính chủ động.

Với điểm nhấn về lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia dự báo lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 12/3, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng đạt 1,24%, cao hơn mức tăng 0,7% trong 2T2024. Theo đó, tăng trưởng tín dụng trong quý I/ 2025 ước tính sẽ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 16%.

Bên cạnh đó, trong tháng qua, quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém tiếp tục được thúc đẩy với Nghị định 69. Cụ thể, từ ngày 19/05/2025, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc gồm MBB, VPB, HDB, (ngoại trừ VCB) sẽ được“nới” room ngoại lên 49% thay vì mức 30% hiện tại. Đây là thông tin tích cực, kỳ vọng góp phần hỗ trợ cho các mục tiêu ngành ngân hàng đặt ra cũng như hỗ trợ cho cơ hội tăng trưởng vốn của chính các nhà băng này trong dài hạn.

Loạt NHTM thực hiện giảm lãi suất từ 25/2 - nay:

Ngày 25/2/2025, Bản Việt (BVBank) áp dụng đối với tiền gửi tại quầy: giảm 0,1-0,4% các kỳ hạn từ 6 đến 60 tháng; (ii) Đối với tiền gửi online giảm 0,1% các kỳ hạn 6-8 tháng; 0,25% các kỳ hạn 9-12 tháng; 0,35% kỳ hạn 15,18 tháng, 0,4% kỳ hạn 24 tháng.

Ngày 25/2/2025 Hàng Hải (MSB) áp dụng (i) Đối với tiền gửi tại quầy: giảm 0,2% các kỳ hạn từ 13-36 tháng; (ii) Đối với tiền gửi online: giảm 0,2% các kỳ hạn từ 1-5 tháng và 12-36 tháng.

Ngày 26/2/2025 Việt Nam Thương tín (VietBank): (i) Đối với tiền gửi tại quầy: giảm 0,2% kỳ hạn các từ 1-4 và 12 tháng; giảm 0,3% các kỳ hạn 5-9 tháng tiền gửi; (ii) Đối với tiền gửi online: giảm 0,1-0,4% kỳ hạn 4,5 tháng, giảm 0,2% kỳ hạn 1,3 tháng và 0,4% kỳ hạn 2 tháng.

Ngày 27/2/2025 Sài gòn Công thương giảm 0,2% kỳ hạn từ 12-36 tháng đối với tiền gửi tại quầy, tiền gửi online và tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân.

Ngày 28/2/2025-6/3/2025 Quốc tế (VIB): (i) Đối với tiền gửi tại quầy: giảm 0,1% các kỳ hạn 6-11 tháng đối với KH có số dư tiền gửi từ 10- dưới 300 triệu và giảm 0,1% các kỳ hạn từ 1-36 tháng đối với KH có số dư từ 300 triệu trở lên; giảm 0,1% đối với tiền gửi idepo từ 1 tỷ trở lên (ii) Đối với tiền gửi trực tuyến: giảm 0,1-0,2% đối với tiền gửi các kỳ hạn từ 1-36 tháng và tiền gửi iDepo.

Ngày 28/2/2024 Bảo Việt (BaovietBank) giảm 0,1% đối với kỳ hạn 12,13 tháng, giảm 0,2% kỳ hạn 15 tháng và giảm 0,3% kỳ hạn từ 18- 36 tháng đối với tiền gửi tại quầy.

Ngày 1/3/2025 Bắc Á giảm 0,1% các kỳ hạn từ 1-11 tháng và giảm 0,2% các kỳ hạn từ 12 -36 tháng đối với tiền gửi tại quầy.

Ngày 3/3/2025 Việt Á giảm 0,1% các kỳ hạn từ 12-36 tháng đối với tiền gửi online và tại quầy.

Ngày 3/3/2025: Lộc Phát (LPBank): (i) Đối với tiền gửi tại quầy ở các hình thức tiền gửi tiết kiệm, các chương trình hội viên gắn kết hạng Diamond, Gold, Ruby: giảm 0,1% đối với kỳ hạn từ 1-60 tháng; (ii) Đối với tiền gửi online: giảm 0,1% các kỳ hạn từ 18-60 tháng.

Ngày 3-12/3/2025: NH Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) giảm 02 lần: giảm 0,2% kỳ hạn 24,36 tháng (lần 1 ngày 3/3) và giảm 0,1% các kỳ hạn 9,12,13 tháng (lần 2 ngày 12/3).

Ngày 5/3/2025: Quốc Dân (NCB) giảm 0,1% kỳ hạn từ 1-60 tháng cả online và tại quầy.

Ngày 5/3/2025: Sài Gòn – Hà Nội (SHB) giảm 0,1% các kỳ hạn từ 6-11, 13,15 tháng; giảm 0,2% kỳ hạn 12,18 tháng, giảm 0,3% kỳ hạn 24,36 tháng đối với tiền gửi tại quầy và online.

Ngày 5/3/2025: Nam Á: (i) Đối với tiền gửi online: giảm 0,3% các kỳ hạn 1,3-5 tháng; giảm 0.4% kỳ hạn 2 tháng và giảm 0,1% kỳ hạn từ 6-36 tháng; (ii) Đối với tiền gửi tại quầy: giảm 0,1% kỳ hạn 1 tháng và giảm 0,2% kỳ hạn 2-5 tháng.

Ngày 6/3/2025: VCBNeo giảm 0,15% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đối với tất cả các sản phẩm tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại quầy và online.

Ngày 10/3/2025 BIDV giảm 0,1% các kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng.

Ngày 10/3/2025 Techcombank giảm từ 0,1-0,2%/năm cụ thể: (i) Sản phẩm TGTK thường: giảm 0,15% kỳ hạn 1-36 tháng đối với KH thường và KH Insprite, 0,2% đối với kỳ hạn 1-5 tháng đối với KH Priority và KH Private và 0,15% đối với kỳ hạn 6-36 tháng của KH Priority và KH Private. (ii) Các sản phẩm tiền gửi online (tất cả các loại KH), TK phát lộc tại quầy, phát lộc online, tiền gửi rút gốc linh hoạt của KH thường và khách hàng Private tiền gửi từ 3 tỷ trở lên: giảm giảm 0,1% các kỳ hạn từ 1-36 tháng; (iii) Các sản phẩm TK phát lộc tại quầy, phát lộc online, tiền gửi rút gốc linh hoạt của KH Insprite, Priority và khách hàng Private tiền gửi dưới 3 tỷ: giảm 0,15%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-36 tháng.

Ngày 12/3/2025, Việt Nam Hiện đại (MBV) giảm 0,2% các kỳ hạn từ 1-3 và 18-36 tháng đối với tiền gửi online và tiền gửi tại quầy.

Ngày 12/3/2025 Công nghệ số Vikki giảm 0,1-0,5% các kỳ hạn từ 1 đến 15 tháng đối với tiền gửi online và tiền gửi tại quầy.

Ngày 14/3/2025 Phương Đông (OCB) giảm 0,05-0,25% tiền gửi online kỳ hạn từ 1-11 tháng đối với khách hàng có số dư từ 100 triệu trở lên, giảm 0,1-0,25% tiền gửi online kỳ hạn từ 1-11 tháng đối với khách hàng có số dư từ 100 triệu trở lên.

Ngày 14/3/2025 Vietinbank giảm 0,1% các kỳ han từ 1- dưới 6 tháng.

Ngày 15/3/2025 An Bình giảm 0,1% lãi suất các kỳ hạn từ 2-60 tháng.

Ngày 26/2-21/3/2025 Kiên Long (KienlongBank) giảm 04 lần lãi suất: (1) KHCN: (i) Đối với tiền gửi online: giảm 0,6-1,05% các kỳ hạn 01-60 tháng, (ii) Đối với tiền gửi tại quầy: giảm 0,2-0,35% các kỳ hạn từ 01-60 tháng; (2) KHDN: Giảm 0,2-0,35% các kỳ hạn từ 01-60 tháng.

Từ ngày 25/2- 24/3/2025 Eximbank có 7 lần giảm lãi suất đối với một số chương trình như: (1) Đối với tiền gửi tại quầy: Chương trình “Gửi dài an tâm” giảm 0,6-0,8% lãi suất các kỳ hạn 15-36 tháng; Tiền gửi tiết kiệm giảm 01-02% các kỳ hạn từ 6-24 tháng đối với KH thường và giảm 0,3-0,4% các kỳ hạn 6-12 tháng đối với khách hàng trên 50 tuổi; (2) Đối với tiền gửi online: Tiền gửi có kỳ hạn giảm 0,1-0,2% các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,3-0,8% đối với các kỳ hạn từ 6-36 tháng.

Ngày 25/3/2025, Agribank giảm 0,1% lãi suất các kỳ hạn từ 01 đến 05 tháng tiền gửi cho KHCN.

Lê Mỹ