Thấy gì từ Diễn đàn phát triển Trung Quốc?
Diễn đàn phát triển Trung Quốc đã phát đi thông điệp rất “dịu dàng” với nhà đầu tư và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Mâu thuẫn thuế quan giữa 2 nước sẽ được giải quyết?

Có hai sự kiện trái ngược nhau diễn ra cùng lúc: Hoa Kỳ đã đưa thêm 50 công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc vào danh sách hạn chế. Trong khi đó tại Bắc Kinh, Diễn đàn phát triển Trung Quốc đã phát tín hiệu nồng ấm với doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Những chủ đề thảo luận tại Diễn đàn thường niên này tập trung giải thích, tìm câu trả lời cho thuế quan hiện hành - chứ không phải biện pháp đáp trả: Tại sao ông Trump lại làm điều này? Ông ấy đang cố gắng đạt được điều gì? Ông ấy nghĩ cần phải làm gì để thực sự làm cho nước Mỹ vĩ đại?.
Ông Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao và Chủ tịch ủy thác về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington) cho biết: “Trung Quốc đã gửi đi thông điệp trấn an nhà đầu tư về kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng và cách đất nước này đang hướng đến tương lai ổn định, hòa nhập so với những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ”.
Trung Quốc sẽ vẫn cam kết phát triển chất lượng cao và mở cửa ở cấp độ cao, đồng thời hoan nghênh các doanh nghiệp từ mọi quốc gia nắm bắt cơ hội, đầu tư, lập kế hoạch cho tương lai, cùng nhau thúc đẩy ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đồng thời, chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, và đạt được sự phát triển lớn hơn thông qua lợi ích chung.
Tháng trước, Trung Quốc đã công bố một kế hoạch hành động nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ các bước bao gồm xóa bỏ một số hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất và đơn giản hóa quy trình để các quỹ nước ngoài thực hiện sáp nhập và mua lại tại đại lục.

Rõ ràng, cường quốc châu Á không muốn làm trầm trọng thêm xung đột thương mại, đây là cách tiếp cận có thể mở ra lối thoát cho toàn bộ. Động thái này cũng như nhiều nhà lãnh đạo tại nhiều quốc gia đang nỗ lực để đưa căng thẳng thuế quan lên bàn đàm phán.
Một số nhà quan sát nhìn nhận, không khí thảo luận thiện chí tại Bắc Kinh là tiền đề hướng tới cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Hoa Kỳ Steve Daines đã dẫn đầu phái đoàn gồm nhiều CEO tập đoàn lớn, như Apple, Mastercard, Cargill, Boeing, Pfizer, AstraZeneca, Qualcomm, FedEx, UL Solutions… hội kiến Thủ tướng Lý Cường.
Với doanh nghiệp Hoa Kỳ, thị trường Trung Quốc vẫn là nơi không chỉ tạo ra lợi nhuận tốt nhất mà còn cung cấp cho họ chuỗi cung ứng đa dạng nhất. Wendell Weeks, CEO của Corning nói “từ đầu năm 2025 rất nhiều động lực phục hồi tích cực bắt đầu ở Trung Quốc”.
Trung Quốc đang tiến rất nhanh trong lĩnh vực công nghệ tiên phong, sau những đột phá về trí tuệ nhân tạo của DeepSeek - tiếp tục chứng minh họ có thể tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn hơn bất cứ đâu.
Đánh giá về sự phát triển công nghệ tại nền kinh tế số 2 thế giới, CEO Amon của Qualcomm cho rằng: “Chúng tôi sẽ vẫn lạc quan vì vai trò của công nghệ rất quan trọng. Công nghệ sẽ là một phần thiết yếu của nền kinh tế”.
Bất chấp môi trường kinh doanh đầy rủi ro, sự có mặt của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tại Trung Quốc giống như lá phiếu tín nhiệm về triển vọng kinh tế và uy tín của nước này.