Kinh tế thế giới

Châu Á cần "lực đẩy" mới cho tăng trưởng

Cẩm Anh 27/03/2025 04:12

Theo nhiều chuyên gia, châu Á cần phát triển ngành dịch vụ để bù đắp cho quá trình phi công nghiệp hóa tiếp theo.

a.jpg
Công nhân làm việc tại nhà máy may Snowtex ở Dhamrai, gần Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AP

Triển vọng của châu Á đã suy yếu một cách dễ đoán trong bối cảnh bất ổn thương mại gia tăng. Dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 3,1% vào năm 2025 từ mức 3,3% trong năm 2024. Đây không phải là tin tốt cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Á.

Tuy nhiên, sự biến đổi của toàn cầu hóa và sự thay đổi trong các hành lang thương mại toàn cầu đang báo hiệu những thay đổi cấu trúc sâu rộng hơn ở châu Á, đặc biệt là quá trình phi công nghiệp hóa diễn ra nhanh hơn ở các nền kinh tế đang phát triển.

Điều này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho khu vực châu Á lâu nay vốn dựa vào xuất khẩu sản xuất để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia có thu nhập cao.

Trên thực tế, Priyanka Kishore, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Asia Decoded tại Singapore phân tích, xu hướng "phi công nghiệp hóa sớm" không phải là điều mới mẻ.

Tương tự như các khu vực đang phát triển khác, tầm quan trọng tương đối của ngành sản xuất tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã đạt đỉnh ở mức thấp hơn nhiều so với mức ở các nước phát triển ngày nay.

Dù vậy, sự suy giảm của ngành sản xuất không diễn ra quá nhanh. Không giống như Brazil, nơi tỷ trọng ngành sản xuất trong GDP đã giảm mạnh từ hơn 30% trong những năm 1980 xuống còn khoảng 12% vào những năm 2000, các nền công nghiệp hóa sớm của châu Á như Malaysia, Thái Lan và Indonesia, vẫn duy trì được các cơ sở sản xuất khá lớn, chiếm từ 20% trở lên trong tổng sản lượng nội địa trong thập kỷ qua.

b
Một công nhân làm việc tại một xưởng may ở Bangkok. Ảnh: Reuters

Nhưng giờ đây, áp lực đang gia tăng. Một làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có nguy cơ khiến các ngành công nghiệp địa phương phá sản và đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển tại châu Á.

Giá cả thấp của hàng hóa Trung Quốc một phần xuất phát từ các khoản trợ cấp của Bắc Kinh cho các sản phẩm như pin mặt trời, cũng như tình trạng dư thừa sản xuất trong các lĩnh vực như xe điện và thép. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc, vốn dựa trên các quy trình sản xuất hiệu quả cao, khiến các quốc gia khác phải vật lộn để theo kịp.

Tại Thái Lan, hơn 3.000 doanh nghiệp đã đóng cửa kể từ năm 2021 do chi phí sản xuất tăng cao, khả năng cạnh tranh kém và sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc khiến sản xuất trong nước không còn khả thi trong nhiều lĩnh vực.

Ngành công nghiệp thép của Thái Lan, một trong những nạn nhân lớn nhất, đã chứng kiến tỷ lệ sử dụng công suất giảm xuống còn 28%. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở các nơi khác. Từ ngành dệt may của Indonesia đến ngành sản xuất đồ chơi của Ấn Độ, khu vực này đang đối mặt với tình trạng nhà máy đóng cửa và mất việc làm.

Vấn đề này có khả năng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi các rào cản thương mại gia tăng ở phương Tây, nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu, đặc biệt Trung Quốc có thể sẽ hướng nhiều hơn các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ của mình sang các nước láng giềng châu Á.

Theo bà Priyanka: "Có lý do để tăng trưởng dựa vào sản xuất được coi là tiêu chuẩn vàng của phát triển khi có khả năng thu hút một số lượng lớn lao động chưa qua đào tạo, đồng thời mang lại hiệu suất tăng cao nhờ tích lũy vốn, tiến bộ công nghệ và lợi thế theo quy mô, những điều mà các ngành dịch vụ thâm dụng lao động không thể tái tạo được".

Nhưng điều này đang thay đổi. Với cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và việc các doanh nghiệp, người tiêu dùng nhanh chóng áp dụng các kênh kỹ thuật số sau đại dịch COVID-19, thương mại dịch vụ đã mở rộng với tốc độ mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Do đó, ngành dịch vụ hiện nay đang phản chiếu nhiều đặc điểm của ngành sản xuất: có tính cạnh tranh cao hơn, có khả năng mở rộng và tự động hóa, cũng như có thể mang lại mức tăng năng suất cao hơn.

Dù tỷ lệ sử dụng internet đang tăng nhanh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cơ bản ngày càng được cải thiện, nhưng châu Á vẫn đang thiếu hụt đáng kể các công nghệ số tiên tiến như 5G và trình độ hiểu biết kỹ thuật số. Ngay cả ở Ấn Độ, nơi nền kinh tế số bùng nổ mạnh mẽ, chỉ khoảng 1% lực lượng lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực dịch vụ ICT có năng suất cao.

Do đó, ông Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng tại DBS Bank cho rằng, châu Á cần đầu tư mạnh vào hạ tầng số tiên tiến, tập trung phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trình độ công nghệ để có thể chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng dựa vào dịch vụ.

Đồng thời, ông Baig cho biết, các nhà hoạch định chính sách cũng cần có biện pháp ngăn chặn sự suy giảm quá nhanh của ngành sản xuất, đồng thời giúp các ngành công nghiệp thích ứng với bối cảnh mới thông qua việc tích lũy nhân lực có tay nghề cao và đầu tư vào hạ tầng.

Nếu không có cách tiếp cận song song này, các quốc gia có nguy cơ để người lao động bị mất việc trong ngành sản xuất hoặc chuyển sang các công việc tự do, lao động dịch vụ cấp thấp, khiến năng suất và tiền lương rơi vào trạng thái trì trệ.

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần đa dạng hóa khỏi Trung Quốc cùng với sự xuất hiện của các ngành công nghiệp xanh và công nghệ mới mang lại cho các quốc gia trong khu vực cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng dựa vào sản xuất, ngay cả khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế dựa vào dịch vụ.

Cẩm Anh