Chuyên đề

Các ngân hàng trung ương thận trọng trước lạm phát và diễn biến chính sách thuế quan

Lê Mỹ 27/03/2025 04:15

Hầu hết các đồng tiền châu Á có khởi đầu không đồng nhất trong năm 2025 do khả năng áp thuế của Tổng thống D.Trump. Tuy nhiên, tác động ban đầu dường như vẫn trong tầm kiểm soát...

Đây là nhận định của ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore).

Chia sẻ tại sự kiện “Cập nhật thị trường: Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam 2025” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Ngân hàng UOB Việt Nam (UOB Việt Nam), Ngân hàng UOB (Singapore) và Công ty cổ phần quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam), chuyên gia nhận định, tác động của thời kỳ "Trump 2.0" khiến sự phân hóa tăng trưởng có thể xảy ra theo hướng: Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, trong khi đó các nền kinh tế khác phải đối mặt với trở ngại thương mại.

tien te
Chúng ta đang chứng kiến những chuyển đổi đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu. Nhiều thay đổi khi Tổng thống Trump quay lại Nhà Trắng, sự thay đổi khung pháp lý chính sách, cộng với tác động địa chính trị, dẫn đến tái cấu trúc thị trường tài chính. Ảnh minh họa: ITN

Theo ông Abel Lim, các chính sách của Tổng thống Trump theo hướng “đặt nước Mỹ lên hàng đầu” có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lên kinh tế thế giới từ các khía cạnh sau:

Thay đổi chính sách thương mại và tác động đến thương mại toàn cầu

Thuế quan tăng cao làm gián đoạn hoạt động thương mại song phương, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc Mỹ áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến các biện pháp thuế trả đũa từ các đối tác thương mại quan trọng, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu, dẫn đến sự dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu.

Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ và chuyển sang các nhà cung cấp khác, đáng chú ý là Brazil – quốc gia đã thay thế Mỹ trở thành nguồn cung đậu nành hàng đầu cho Trung Quốc. Những thay đổi này không chỉ làm suy giảm sức cạnh tranh của xuất khẩu Mỹ mà còn tạo ra sự phân mảnh trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Điều này cũng tạo điều kiện cho các đối thủ như Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng thông qua các hiệp định thương mại như RCEP, làm suy yếu vị thế lãnh đạo thương mại toàn cầu của Mỹ, chuyên gia dẫn ví dụ.

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã tìm kiếm các giải pháp thay thế Trung Quốc bằng cách chuyển hướng sản xuất và nguồn cung sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ, nhằm tránh tác động của thuế quan. Tuy nhiên, dù thu hút được dòng vốn đầu tư mới, những hạn chế về cơ sở hạ tầng tại các quốc gia này khiến lợi ích tức thời bị giới hạn. Trong khi đó, các nỗ lực đưa sản xuất quay trở lại Mỹ cũng gặp nhiều thách thức, với chi phí lao động cao và tốc độ mở rộng công suất chậm làm giảm hiệu quả của chiến lược này.

Tác động đến thị trường tài chính và tiền tệ

Theo ông Abel, các chính sách có thể dẫn đến biến động trên thị trường chứng khoán khi các ngành nhạy cảm với thuế quan như công nghệ và ô tô đối mặt với nhiều bất ổn, trong khi các ngành được bảo hộ như thép hưởng lợi trong ngắn hạn.

Chuyên gia cũng cho rằng lạm phát có nguy cơ gia tăng do thuế quan làm tăng chi phí đầu vào, đẩy giá hàng tiêu dùng như thiết bị điện tử và đồ gia dụng lên cao. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát, động thái này cũng tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt biến động về tiền tệ sẽ bị chi phối bởi những chính sách không dễ đoán của ông Trump, dù các chính sách thuế quan với kế hoạch được đưa ra, theo cách chuyên gia, thường là công cụ để ông đàm phán. Song trong nhiều trường hợp nếu đàm phán không đạt mục tiêu, kế hoạch áp thuế vẫn sẽ diễn ra trong hiện thực.

"Các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ thận trọng theo dõi diễn biến lạm phát và thương mại để đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất phù hợp", chuyên gia lưu ý.

Về diễn biến của đồng USD, ông Abel Lim cho rằng những lo ngại mới về tăng trưởng của Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm của đồng USD gần đây, khi thị trường ngày càng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong năm nay. Mỹ hiện vẫn duy trì mức chênh lệch lãi suất đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác, điều này có thể khiến đồng USD phục hồi trong quý 2/2025 trước khi giảm trở lại vào quý 3/2025.

Dự báo về kinh tế khu vực ASEAN

Tại sự kiện, các chuyên gia từ UOB và UOBAM Việt Nam nhận định, nhìn chung, cuộc chiến thuế quan dưới chính quyền Trump 2.0 có khả năng làm dấy lên căng thẳng và gián đoạn thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến các quốc gia có mức độ mở cao về thương mại như Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2025.

uob_.jpg
Các chuyên gia UOB thảo luận tại sự kiện “Cập nhật thị trường: Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam 2025”

Ông Abel Lim nhận định, với các nền kinh tế ASEAN, do phụ thuộc nhiều vào thương mại và gắn chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên các quốc gia này dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam và Thái Lan có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với thuế quan hoặc các biện pháp hạn chế thương mại từ Mỹ, do cả hai nước này đều có thặng dư thương mại với Mỹ. Hai nền kinh tế này có thể chịu rủi ro gia tăng nếu Tổng thống Trump áp đặt thêm thuế quan hoặc thực hiện các chính sách thương mại nhằm tái định hình sản xuất và thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ. Với mức độ mở cửa cao, Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước các gián đoạn trong thương mại quốc tế, nhất là trong bối cảnh Mỹ tập trung vào vấn đề mất cân bằng thương mại. Nếu ASEAN trở thành mục tiêu áp thuế, xuất khẩu sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, nếu thương mại nội khối ASEAN hoặc nội khối châu Á duy trì ổn định, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, những yếu tố này có thể giúp bù đắp tác động tiêu cực và hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực.

Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN nhiều khả năng sẽ không bị chệch hướng, do quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục, trong khi lực lượng lao động có tay nghề cao ngày càng tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn trong năng lực sản xuất.

Giải pháp ứng phó, hóa giải áp lực giảm giá đồng nội tệ

Ông Abel Lim cũng chia sẻ về các giải pháp giúp khu vực ASEAN và Việt Nam giảm thiểu những rủi ro và tận dụng các cơ hội trong bối cảnh hiện tại, bao gồm:

Đa dạng hóa đối tác và thị trường thương mại – Giảm phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn.

Các giải pháp này bao gồm: Mở rộng xuất khẩu sang các thị trường thay thế thông qua các hiệp định thương mại; Thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN, hiện chỉ chiếm khoảng 23% tổng thương mại (so với khoảng 60% trong EU); Điều chỉnh tiêu chuẩn, giảm rào cản phi thuế quan và đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Mở rộng thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới để thúc đẩy giao thương trong khu vực.

Đa dạng hóa xuất khẩu

Chuyển đổi từ xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp sang các sản phẩm có giá trị cao hơn (ví dụ: điện tử, thực phẩm chế biến, công nghệ xanh).

Thúc đẩy các ngành có lợi thế đặc thù, như điện tử của Việt Nam, ô tô của Thái Lan, và chất bán dẫn của Malaysia.

Nâng cao khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng

Định vị ASEAN là trung tâm sản xuất theo mô hình "Trung Quốc + 1" cho các tập đoàn đa quốc gia.

Phát triển các khu kinh tế đặc biệt (SEZ) với chính sách ưu đãi nhằm thu hút các ngành công nghệ cao.

Tăng cường năng lực trong nước và đổi mới sáng tạo

Nâng cấp kỹ năng lao động để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bằng các chương trình trợ cấp, tiếp cận công nghệ và hỗ trợ xuất khẩu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát triển các ngành công nghiệp nội địa có tiềm năng, như dược phẩm.

Về tiền tệ, ông Abel Lim nhận định, hầu hết các đồng tiền châu Á có khởi đầu không đồng nhất trong năm 2025 do khả năng áp thuế của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, tác động ban đầu của "cuộc chiến thương mại 2.0" dường như vẫn trong tầm kiểm soát, vì cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc lần này được đánh giá là ôn hòa hơn so với dự đoán. Chính sách thuế quan của tổng thống Trump nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại của Mỹ với tất cả các đối tác, bao gồm cả những đối tác thân cận như Mexico và Canada, chứ không chỉ tập trung vào Trung Quốc như giai đoạn 2018-2019.

"Hầu hết các đồng tiền châu Á đều suy yếu hơn so với USD trong giời gian gần đây, ví dụ như VND đã giảm chỉ còn khoảng 25.600 VND đổi một USD vào đầu tháng 3, đà giảm này có thể sẽ tiếp tục do sự chững lại của kinh tế Trung Quốc và khả năng Mỹ áp thuế lên Việt Nam. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể giúp giảm áp lực mất giá của VND, bao gồm triển vọng tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và cam kết của NHNN trong việc đảm bảo “ổn định tỷ giá”.

Nhìn chung, dự báo cập nhật của chúng tôi về tỷ giá USD/VND là 25.800 trong quý 2 năm 2025, 26.000 trong quý 3 năm 2025, 25.800 trong quý 4 năm 2025 và 25.600 trong quý 1 năm 2026", ông Able Lim phân tích.

Theo ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam, trong bối cảnh biến động và bất định, việc nắm bắt sát sao những thông tin cập nhật thị trường và khách quan nhất vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp và mọi nhà đầu tư, khách hàng cá nhân. Tại UOB, thông tin được tư vấn từ các chuyên gia tài chính hàng đầu, chẳng hạn như các cố vấn của UOB, sẽ giúp các khách hàng có những phương án phù hợp cho việc quản lý tài sản thích ứng mọi giai đoạn của thị trường, đặc biệt với bối cảnh hiện nay.

Đại diện UOB cũng cho biết sự kiện chia sẻ thông tin này nằm trong chuỗi sự kiện đặc quyền “UOB Privilege Conversation” dành riêng cho khách hàng ưu tiên của Ngân hàng UOB Việt Nam, được tổ chức hằng năm với mục tiêu mang đến cho khách hàng cơ hội được gặp gỡ các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong khu vực, được thảo luận và giải đáp những thắc mắc về xu hướng và tình hình thị trường cũng như trang bị chiến lược đầu tư, ứng phó trước những thách thức, đón đầu được cơ hội trong tương lai.

Lê Mỹ