Đề xuất giảm 2% thuế VAT cho xăng dầu: Còn băn khoăn điều gì?
Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT cho xăng dầu đến hết năm 2026. Động thái này nhận được sự ủng hộ lớn nhưng cũng đặt ra bài toán ngân sách không nhỏ…
Theo đó, Bộ Tài chính vừa đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, trong đó có xăng, dầu, đến hết năm 2026. Động thái này ngay lập tức nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân khi giá cả vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cũng đặt câu hỏi về tác động dài hạn của chính sách này đối với ngân sách nhà nước và sự ổn định tài chính quốc gia.

Gỡ khó cho nền kinh tế trong bối cảnh áp lực chi phí
Giảm thuế VAT là một trong những biện pháp hỗ trợ tài chính quan trọng mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua để kích thích tiêu dùng và giảm bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp, hộ gia đình. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2023 và 2024, chính sách giảm 2% thuế VAT đã giúp giảm giá thành hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh và thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa.
Đặc biệt, đối với nhóm hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu – vốn có tác động lan tỏa đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, việc tiếp tục giảm thuế được kỳ vọng sẽ giúp bình ổn giá cả, giảm chi phí vận chuyển, sản xuất, đồng thời giữ ổn định mức sống cho người dân.
Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Duy Phúc - Giám đốc công ty vận tải Hà Nội, cho biết, xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí vận hành của doanh nghiệp. “Nếu chính sách giảm thuế VAT tiếp tục được duy trì, chúng tôi có thể giảm giá cước, kích thích nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa và hỗ trợ phục hồi kinh tế tốt hơn”, ông Phúc chia sẻ.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, động thái kéo dài thời gian áp dụng mức thuế ưu đãi sẽ tạo ra cú hích tích cực cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 và đối phó với những biến động của kinh tế thế giới.
Phân tích cụ thể hơn, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhấn mạnh, xăng dầu là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa, chi phí sản xuất và dịch vụ. “Việc giảm thuế VAT giúp giảm áp lực lạm phát, từ đó kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngân sách”, vị chuyên gia lưu ý.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là nhóm ngành có mức tiêu thụ nhiên liệu lớn như dệt may, da giày, chế biến nông sản… cũng đánh giá cao đề xuất này. Ông Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc công ty xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ, chia sẻ, chi phí năng lượng là một trong những yếu tố chính khiến giá thành sản phẩm đội lên, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nếu giá xăng dầu được duy trì ở mức hợp lý nhờ chính sách giảm thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm dư địa để giảm giá thành và tăng lợi nhuận.
Với người tiêu dùng, chính sách giảm VAT không chỉ giúp giảm giá xăng dầu mà còn có tác động gián tiếp đến giá cả các mặt hàng thiết yếu khác. Giá cả hàng hóa leo thang khiến thu nhập của người dân ngày càng bị bào mòn. Việc duy trì giảm thuế VAT là cần thiết để giúp bớt áp lực chi tiêu hàng ngày.
Áp lực ngân sách và bài toán dài hạn
Dù nhận được sự đồng tình lớn từ doanh nghiệp và người dân, nhưng các chuyên gia cũng lưu ý rằng, đề xuất này cũng đặt ra bài toán cân đối ngân sách không hề nhỏ. Theo ước tính của Bộ Tài chính, chính sách giảm 2% thuế VAT trong hai năm qua đã làm giảm nguồn thu ngân sách khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng mỗi năm. Nếu tiếp tục duy trì đến hết năm 2026, con số này sẽ còn lớn hơn.
Theo phân tích của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế VAT giúp kích thích tiêu dùng, nhưng cần có phương án bù đắp hợp lý để tránh ảnh hưởng đến các khoản chi quan trọng như đầu tư công, an sinh xã hội. Theo TS Cấn Văn Lực, chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp tăng thu khác như mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế hay đẩy mạnh số hóa quản lý thuế để đảm bảo nguồn thu bền vững.
Trao đổi với Diễn Đàn Doanh nghiệp, một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, thay vì áp dụng chính sách giảm thuế diện rộng, Chính phủ có thể xem xét tập trung ưu đãi thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa thiết yếu hoặc các ngành nghề có mức độ ảnh hưởng lớn từ chi phí xăng dầu. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích mà vẫn kiểm soát được tác động đến ngân sách nhà nước.