Sửa Luật Hóa chất: Cân nhắc quy định về phát triển công nghiệp hoá chất
Để tạo sự đột phá tương xứng với tiềm năng, góp ý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc tính thống nhất, khả thi trong quy định phát triển công hóa chất.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể, tuy nhiên, quy mô và tốc độ phát triển của ngành hóa chất được cho chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng. Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn và thân thiện với môi trường, trong Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ dành riêng 1 Chương về phát triển công nghiệp hóa chất, đồng thời đưa ra một số giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, Dự thảo Luật (sửa đổi) bổ sung quy định về xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng quy định rõ yêu cầu đối với nội dung của chiến lược; giai đoạn lập chiến lược; trách nhiệm xây dựng, thẩm quyền phê duyệt và trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất.
Xây dựng yêu cầu, tiêu chí, quy định đặc thù đối với dự án hóa chất. Trong đó, khái niệm về “Dự án hóa chất” đã được làm rõ hơn so với Luật Hóa chất 2007, như: Dự án hóa chất là dự án đầu tư xây dựng được hình thành và thực hiện với mục tiêu chính để tiến hành hoạt động sản xuất, tồn trữ hóa chất và các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất…
Đặc biệt về ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm. Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, Dự thảo Luật quy định về các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm và các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực này phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, có quy mô vốn đầu tư, tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên quan…

Nhìn nhận về đề xuất của cơ quan soạn thảo, một số ý kiến cho hay, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đã có các nội dung về các chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại. Tuy nhiên, cần làm rõ để có thể đưa các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt thì dựa vào các quy định nào, liệu có phù hợp với Luật Đầu tư và các luật khác để tránh gặp khó khăn hoặc không khả thi khi triển khai.
Về vấn đề này, tham gia góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi) mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định “Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này, phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, có quy mô vốn đầu tư, tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên quan…”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định trên dù đảm bảo tính thống nhất về chủ trương ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án hoá chất trọng điểm song vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Hóa chất, Luật Đầu tư, và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, khả thi, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định pháp luật liên quan đến ưu đãi đối với phát triển công nghiệp hoá chất trọng điểm.
Cùng với vấn đề đã nêu, góp ý về danh mục các dự án hoá chất thuộc diện được ưu đãi, VCCI cũng cho rằng, khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định các dự án thuộc diện được ưu đãi theo cơ chế liệt kê các lĩnh vực công nghiệp hoá chất trong điểm. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, cách quy định này mang tính chất định tính, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai trên thực tế.
“Ví dụ, điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định “sản xuất hoá chất cơ bản” là một lĩnh vực công nghiệp trọng điểm. “Hoá chất cơ bản” đang được định nghĩa tại Dự thảo là “các hóa chất được dùng với vai trò là nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia, dung môi trong quá trình sản xuất hóa chất khác hoặc trong quá trình sản xuất của các ngành kinh tế”.
Trên thực tế, theo phản ánh của doanh nghiệp thì định nghĩa này rất rộng. Theo đó, hoá chất cơ bản vừa là nguyên liệu vừa là sản phẩm cuối cùng (như xút, một số loại axit, toluene là dung môi) nhưng cũng vừa là nguyên liệu để sản xuất thuốc nổ TNT”, VCCI viện dẫn.
Đồng thời đề nghị, để đảm bảo tính minh bạch, Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng lượng hóa, quy định rõ các tiêu chí để xác định các dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được ưu đãi.
Không chỉ VCCI, xoay quanh nội dung này, trước đó, thẩm tra sơ bộ về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm, các đại biểu cũng đề nghị rà soát, đối chiếu quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với quy định của Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị quyết số 23-NQ/TW. Đồng thời, tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất, tính khả thi trong hệ thống pháp luật, lưu ý quan hệ giữa các luật, nhất là Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng thủ dân sự,...