Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Đường sắt: Cần quy định cụ thể hơn về đường sắt tốc độ cao

Yến Nhung 02/04/2025 04:00

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn cho việc đầu tư, quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao.

Thực tế cho thấy, việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, đồng bộ hóa hệ thống giao thông đường sắt mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp đường sắt và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế; đồng thời, Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi (Dự thảo) sẽ tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới một ngành đường sắt phát triển bền vững và hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới.

Các chuyên gia đề xuất nhiều nội dung quan trọng trong Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp đường sắt - Ảnh: ITN
Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) - Ảnh: ITN

Trên cơ sở 05 chính sách đã được thông qua, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa thành các quy định cụ thể trong Dự thảo và tập trung 05 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương tiện vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng lược bỏ quy định đối với 20% số lượng thủ tục hành chính và 33% điều kiện kinh doanh so với Luật Đường sắt hiện hành để đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Xây dựng đánh giá kỹ lưỡng. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo, ông Lê Nguyễn Hồng Quang, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, các khái niệm, thuật ngữ được nêu tại Điều 3 (Giải thích từ ngữ) cần được sắp xếp theo thứ tự Alphabet (a,b,c) để đảm bảo tính khoa học và tiện tra cứu; chuyển các nội dung mang tính giải thích từ ngữ tại Điều 9 “Phân loại đường sắt và cấp kỹ thuật đường sắt quy định về hệ thống đường sắt Việt Nam và cấp kỹ thuật đường sắt” vào Điều 3 (Giải thích từ ngữ); bổ sung giải thích thêm một số từ ngữ được nêu trong Luật nhưng chưa rõ ràng, cụ thể như khái niệm ga kỹ thuật, ga liên vận quốc tế, ga biên giới, ga đầu mối… được quy định tại Điều 15 của Dự thảo.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có thể làm chủ công tác khảo sát, thiết kế và thi công đối với đường sắt có tốc độ từ 160km/h trở xuống và đường sắt đô thị - Ảnh: ITN
Nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn cho việc đầu tư, quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao - Ảnh: ITN

Theo ông Lê Nguyễn Hồng Quang, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, nhưng Chương III quy định về phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt lại không đề cập đến đường sắt tốc độ cao.

“Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chương riêng hoặc mục riêng về đường sắt tốc độ cao với những điều luật quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành, hệ thống chống thảm họa đường sắt tốc độ cao; chính sách khuyến khích đầu tư cho phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao…”, ông Lê Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh.

Cũng quan tâm đến đường sắt tốc độ cao, PGS, TS Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu Đường Việt Nam đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu có quy định riêng cho việc đầu tư, quản lý, vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao.

“Do đặc điểm vận tải hành khách và hàng hóa khối lượng lớn, yêu cầu an toàn vận hành rất cao vì thế, cần xây dựng một hệ thống đào tạo nguồn nhân lực thống nhất về chuyên môn hoạt động đường sắt cho tất cả các cấp độ đào tạo từ công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý các cấp. Đặc biệt chú ý đến các lĩnh vực hoạt động liên quan đến công nghệ cao và vận hành khai thác an toàn, trong đó yêu cầu rõ trình độ tay nghề đối với hoạt động trong từng loại hình đường sắt khác nhau như đường sắt thông thường, đường sắt chuyên dụng, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao (bao gồm cả quản lý các hoạt động của các đoàn tàu tự lái). Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm nội dung ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ trong nghiên cứu, tiếp thu và làm chủ công nghệ mới trong các lĩnh vực hoạt động đường sắt”, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu Đường Việt Nam chia sẻ.

Theo PGS, TS Hoàng Hà, để hướng tới xây dựng, khai thác có hiệu quả và an toàn cho loại hình đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ thì cần đặt vấn đề ưu tiên nguồn lực (tài chính, quỹ đất, nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị…) cho cả giai đoạn đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, vận hành. Có thể cần dự kiến cả mức độ linh hoạt trong huy động nguồn vốn đầu tư, điều chỉnh công năng để phù hợp với nhu cầu vận tải ở từng giai đoạn khác nhau.

Được biết, Dự thảo dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Yến Nhung