Chuyên đề

Giá dầu giảm sâu sau chính sách thuế quan mới của Mỹ

Diễm Ngọc 03/04/2025 14:00

Giá dầu giảm xuống mức âm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan mới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu dầu thô.

Giá dầu toàn cầu đã trải qua một cú sốc đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 2/4 (theo giờ Mỹ), khi bất ngờ quay đầu giảm mạnh sau tuyên bố một loạt mức thuế quan mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhằm vào các đối tác thương mại chính, bao gồm Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc,... và cả Việt Nam. Sự kiện này ngay lập tức làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại quy mô lớn, có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu thô - mặt hàng vốn rất nhạy cảm với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ảnh màn hình 2025-04-03 lúc 12.57.39
Với chính sách thuế quan mới, tác động lên thị trường năng lượng toàn cầu là không thể xem nhẹ

Theo Reuters, ban đầu, thị trường ghi nhận một đợt tăng nhẹ trong giá dầu thô Mỹ khi hợp đồng tương lai West Texas Intermediate (WTI) tăng 1 USD. Tuy nhiên, chỉ trong vài giờ sau cuộc họp báo của ông Trump, giá đã quay đầu giảm xuống mức âm. Giá dầu Brent tương lai tăng 0,6% lên mức 74,95 USD/thùng, trong khi WTI tăng 0,7% đạt 71,71 USD/thùng trước khi giảm mạnh. Động thái này cho thấy sự phản ứng tức thời của thị trường năng lượng trước các biến động chính sách có thể làm thay đổi cán cân cung - cầu toàn cầu.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Trump nhấn mạnh rằng ngày 2/4 sẽ là “Ngày giải phóng”, thời điểm bắt đầu áp dụng các mức thuế quan mới đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu. “Bản đồ thuế quan” do Nhà Trắng công bố bao gồm các đối tác lớn, tuy nhiên không nêu rõ mức áp dụng với Canada và Mexico. Một quan chức cấp cao cho biết các sản phẩm dầu từ hai quốc gia láng giềng sẽ được miễn trừ nếu tuân thủ hiệp định thương mại USMCA, qua đó phần nào xoa dịu những lo ngại từ khu vực Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, tác động lên thị trường năng lượng toàn cầu là không thể xem nhẹ. Các chính sách thuế quan được đánh giá có thể gây ra ba hệ lụy chính: tăng lạm phát, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và thổi bùng căng thẳng thương mại. Cả ba yếu tố này đều là rào cản trực tiếp đối với nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank - Ole Hansen nhận định: “Giá dầu thô đã tạm dừng đà tăng của tháng trước, trong khi giá dầu Brent gặp phải một số kháng cự trên mức 75 USD, với sự tập trung hiện tại chuyển từ việc cắt giảm nguồn cung do lệnh trừng phạt sang thông báo áp thuế của ông Trump và tác động tiêu cực tiềm tàng của nó đối với tăng trưởng và nhu cầu”.

Thị trường có phần được trấn an sau tuyên bố từ phía Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum, người khẳng định rằng Mexico không có kế hoạch trả đũa bằng thuế quan đối với Hoa Kỳ. Tuy vậy, triển vọng về một làn sóng phản ứng từ các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc hay Liên minh châu Âu vẫn là một ẩn số. Một khi các đối tác thương mại lớn bị tổn thương hoặc phản ứng mạnh tay, nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với sự sụt giảm tăng trưởng - yếu tố đe dọa trực tiếp tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại khi ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên lĩnh vực dầu mỏ của Nga và Iran. Vào thứ Hai, chính quyền Mỹ đã thắt chặt các lệnh trừng phạt với Iran trong khuôn khổ chiến dịch “gây sức ép tối đa”, nhằm mục tiêu cắt giảm lượng dầu xuất khẩu của quốc gia này. Cùng lúc, Tổng thống Mỹ còn đe dọa áp thêm thuế thứ cấp đối với dầu mỏ Nga, trong bối cảnh quan hệ địa chính trị ngày càng căng thẳng.

Năm nay, iá dầu thế giới sẽ ổn định trong khoảng 65 – 80 USD/thùng, khó vượt mốc 100 USD/thùng
Khi yếu tố địa chính trị, thương mại và tài chính toàn cầu tiếp tục đan xen, thị trường dầu mỏ sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến số

Ở phía Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, tình hình cũng trở nên phức tạp hơn khi chính phủ tạm thời đình chỉ hoạt động tại cảng Novorossiisk ở Biển Đen, một trong những tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất của nước này. Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Moscow hạn chế hoạt động tại tuyến ống dẫn dầu qua biển Caspi. Nga hiện sản xuất khoảng 9 triệu thùng/ngày, tương đương gần 10% sản lượng toàn cầu, đồng thời là tuyến trung chuyển dầu lớn từ Kazakhstan. Những bất ổn từ cả phía cung ứng và chính sách thương mại càng khiến bức tranh thị trường dầu mỏ thêm phức tạp và khó đoán định.

Giữa làn sóng tin tức chính sách dồn dập, thị trường cũng tỏ ra khá thờ ơ với các dữ liệu dự trữ dầu thô được công bố trong ngày. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), lượng dầu thô tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng thêm 6,2 triệu thùng trong tuần trước - con số vượt xa kỳ vọng. Dù vậy, thị trường dường như đã bỏ qua tác động tiêu cực của số liệu này trong bối cảnh dòng nhập khẩu từ Canada tăng mạnh, phần nào lý giải nguyên nhân của sự gia tăng.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo từ UBS đánh giá: “Theo quan điểm của tôi, báo cáo này có vẻ bi quan, với lượng dầu thô tồn kho lớn hơn và tổng lượng dầu tồn kho tăng. Nhưng thị trường coi đây là báo cáo trung lập, vì lượng dầu thô tăng là do lượng dầu thô nhập khẩu từ Canada tăng mạnh, có thể là trước nỗi lo về việc áp dụng thuế quan mới”.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang bị thử thách khi phải đánh giá rủi ro từ chính sách thuế quan và sự bất ổn thương mại. Josh Young, Giám đốc đầu tư tại Bison Interests, nhận định giá dầu đang giảm nhẹ sau tin tức và điều này có thể gây ra một số bất ổn về thương mại và kinh tế, nhưng có lẽ mọi người lo ngại tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhìn chung, thị trường dầu mỏ đang đứng trước sự giao thoa của hai xu thế trái chiều: một bên là các yếu tố thắt chặt nguồn cung do địa chính trị và lệnh trừng phạt, bên còn lại là nỗi lo suy giảm nhu cầu do bất ổn thương mại và chính sách thuế quan. Với việc giá dầu đang biến động mạnh chỉ trong một phiên giao dịch, các nhà đầu tư và phân tích cảnh báo rằng sự không chắc chắn đang gia tăng, và bất kỳ động thái nào từ các quốc gia lớn cũng có thể tạo ra các làn sóng tiếp theo ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Sự kiện chính sách thuế quan của Tổng thống Trump cho thấy rõ sức nặng của chính sách đối ngoại Mỹ với thị trường năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang thiếu các yếu tố ổn định vững chắc. Khi yếu tố địa chính trị, thương mại và tài chính toàn cầu tiếp tục đan xen, thị trường dầu mỏ sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến số, không chỉ về cung và cầu, mà còn về niềm tin.

Diễm Ngọc