Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam: Cơ hội mới cho đầu tư trực tiếp và tăng trưởng du lịch
Việc Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam có thể là thách thức cho xuất khẩu, nhưng cũng mở ra cơ hội mới cho đầu tư trực tiếp từ Mỹ và tăng trưởng du lịch từ Mỹ đến Việt Nam.
Rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam (tối ngày 2/4 giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng cao 46% mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế mà Mỹ dự kiến áp cho hàng hoá Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được ông Trump ký cùng ngày.
Là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản... và dành nhiều thời gian nghiên cứu du khách quốc tế, anh Nguyễn Ngọc Bích, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Mekong Rustic đã có ý kiến về những tác động của chính sách thuế quan mới của Mỹ đến du lịch Việt Nam và kinh tế Việt Nam.

Thách thức là không thể phủ nhận
Trước hết, CEO Mekong Rustic phân tích, Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức. Thứ nhất là sự suy giảm xuất khẩu. Thuế suất cao có thể làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép và điện tử.
Thứ hai là tác động đến doanh nghiệp và thị trường lao động việc làm. Sự sụt giảm xuất khẩu có thể dẫn đến giảm doanh thu cho các doanh nghiệp và nguy cơ mất việc làm cho người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng.
Thứ ba là hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài. Môi trường thương mại không ổn định có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Song hành với thách thức, không thể thiếu cơ hội mà chúng ta cần nắm bắt. Theo ông Bobby Nguyễn, khó khăn này khiến cho các doanh nghiệp phải mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, cải thiện chất lượng và giá trị gia tăng để cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường quốc tế.
Việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP,…hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Châu Phi,….

Cơ hội đầu tư vào ngành sản xuất và du lịch
Đặc biệt, ông Bobby Nguyễn cũng cho rằng, đây là cơ hội đầu tư vào ngành sản xuất và du lịch từ Mỹ. Khi hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ bị áp thuế cao, doanh nghiệp Mỹ có thể tìm cách đầu tư trực tiếp tại Việt Nam để tránh thuế thay vì nhập khẩu.
Cụ thể, những nhà đầu tư có vốn từ trung bình đến cao có thể thiết lập cơ sở sản xuất, mở nhà máy ngay tại Việt Nam để tận dụng chi phí lao động và nguyên liệu rẻ hơn so với Trung Quốc.
Với thị trường bất động sản, nghỉ dưỡng, các nhà đầu tư trung lưu Mỹ có thể thấy đây là cơ hội tiềm năng để sở hữu bất động sản du lịch (homestay, resort nhỏ, farmstay) tại thị trường đầy lợi thế như Việt Nam.
Bên cạnh đó, với sự gia tăng của mô hình du lịch trải nghiệm và bền vững, những người Mỹ muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại nước ngoài có thể đầu tư vào farmstay, homestay, hoặc dịch vụ kết nối du khách Mỹ với trải nghiệm địa phương ở Việt Nam.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, chỉ trong 10 năm liên tiếp trước dịch (2010-2019), số lượng khách Mỹ tới Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 hoặc thứ 5 trong Top 10 thị trường gửi khách lớn nhất. Thực tế cho thấy Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách Mỹ.
Do đó, với việc áp thuế cao vào Việt Nam dẫn đến việc giá hàng hóa nhập từ Việt Nam vào Mỹ tăng cao, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ chuyển hướng từ mua sắm hàng hóa sang chi tiêu cho trải nghiệm du lịch, đặc biệt là du lịch giá trị cao và chữa lành (wellness travel).
Dự báo nếu giá trị đồng đô la mạnh tại Việt Nam, khách du lịch Mỹ có thể trải nghiệm dịch vụ cao cấp hơn tại đây so với chi phí tương đương tại Mỹ hoặc châu Âu. Khi chi phí hàng hóa cao hơn, du khách có thể chọn đến tận nơi để mua sắm hoặc trải nghiệm sản phẩm Việt Nam tại chỗ thay vì mua hàng nhập khẩu. Ví dụ: du lịch nông nghiệp, học nấu ăn, làm thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu cà phê đặc sản. Cùng với đó, kết hợp du lịch với tìm hiểu đầu tư, một số du khách Mỹ có thể quan tâm đến du lịch kết hợp khảo sát cơ hội đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp hữu cơ, và công nghệ xanh tại Việt Nam.
Cần thích ứng nhanh và khai thác hiệu quả thị trường này
Từ những nhận định trên, Tổng giám đốc Mekong Rustic cho rằng, các doanh nghiệp cần hành động ngay để tận dụng cơ hội này. Cụ thể, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của người Mỹ với trải nghiệm văn hóa, du lịch chữa lành, du lịch phiêu lưu.
Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến thân thiện cho người Mỹ muốn trải nghiệm hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và nông dân địa phương mở rộng kết nối với khách du lịch Mỹ, từ đó tạo nền tảng bền vững cho du lịch cộng đồng và đầu tư nước ngoài.
"Việc Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam có thể là thách thức cho xuất khẩu, nhưng cũng mở ra cơ hội mới cho đầu tư trực tiếp từ Mỹ và tăng trưởng du lịch từ Mỹ đến Việt Nam. Quan trọng là Việt Nam có thể nhanh chóng thích ứng và khai thác những cơ hội này để thúc đẩy phát triển bền vững….!" - ông Nguyễn Ngọc Bích khẳng định.