“Sức bật” cho doanh nghiệp tư nhân Hải Phòng
Trong hành trình trở thành “đầu tàu” kinh tế khu vực phía Bắc, TP Hải Phòng đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, “sức bật” của doanh nghiệp tư nhân Hải Phòng vẫn chưa xứng tầm kỳ vọng. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Huy Du - Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng về vấn đề này.
- Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn TP Hải Phòng hiện nay, cũng như những đóng góp của họ cho sự phát triển chung của kinh tế Hải Phòng?
Theo tôi, doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn TP Hải Phòng trong những năm vừa qua phát triển rất mạnh mẽ, năng động, tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng; đa dạng về nhiều loại hình, lĩnh vực hoạt động. Một ví dụ đơn giản, từ năm 2017, toàn TP Hải Phòng có khoảng 28.043 doanh nghiệp hoạt động thì đến năm 2020, con số này đã lên tới trên 33.000 doanh nghiệp và đến hết năm 2024 đã có 39.891 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ trọng của các doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào khu vực kinh tế của toàn thành phố đạt từ 40-48% trong 5 năm vừa qua.
Nhìn chung, những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào tăng trưởng của Hải Phòng là rất đáng ghi nhận. Nhưng, để thực sự đánh giá sự đóng góp đó đã xứng tầm hay chưa thì theo tôi là chưa vì những lý do sau:
Thứ nhất, TP Hải Phòng là một trong những thành phố phát triển năng động bậc nhất của cả nước cũng như vùng Đồng bằng Sông Hồng, nhưng sự đóng góp của kinh tế tư nhân vào sự phát triển chung của Hải Phòng trong 5 năm vừa qua chưa xứng tầm với sự mong đợi của thành phố.
Thứ hai, dù Hải Phòng đã tạo điều kiện rất nhiều cho khu vực tư nhân phát triển, nhưng các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân của TP Hải Phòng đông, nhưng không mạnh, còn mạnh mún, chưa có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.

- Theo ông, đâu là những thách thức và rào cản lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp tư nhân tại Hải Phòng?
Theo tôi, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân tại Hải Phòng hiện nay đó là vấn đề chính sách. Mặc dù thành phố đã tạo rất nhiều điều kiện để doanh nghiệp phát triển, nhưng một số quy định pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định và thiếu nhất quán. Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các văn bản luật và dưới luật chưa được đổi mới kịp với yêu cầu thực tế nên tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, còn có một số biểu hiện của lợi ích cục bộ, chưa tạo được sự đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lực để phát triển. Chi phí trong doanh nghiệp vẫn còn cao so với các nước trong khu vực, và lãi suất cho vay thực tế ở Việt Nam vẫn còn cao hơn so với các nước có trình độ tương đồng.
Thêm vào đó, công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn rất hạn chế.
Đến nay có rất ít các doanh nghiệp có khả năng cung cấp linh kiện, vật tư cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hải Phòng. Đây chính là nguyên nhân lý giải tại sao Hải Phòng chưa phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, năng lực quản trị doanh nghiệp yếu, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính gắn kết.
- Điều cần thiết nhất bây giờ để Hải Phòng phát triển được khối kinh tế tư nhân cũng như tăng về số lượng, chất lượng của doanh nghiệp là gì, thưa ông?
Chính quyền cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhất quán; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ, phát triển nhân lực và nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với cả nền kinh tế tư nhân, thống nhất về nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ tái cơ cấu nguồn lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới và xu hướng của thị trường mới.
Về phía các doanh nghiệp, phải chủ động hơn nữa trong quá trình hội nhập, phát triển, chủ động hơn nữa trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh của nền kinh tế số. Tiếp theo, doanh nghiệp cần phải chú ý phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải năng động, sáng tạo trong quá trình hội nhập nếu không sẽ phải chịu thua ngay trên sân nhà.
- Trân trọng cảm ơn ông!