Chính trị

Ứng phó linh hoạt với chính sách Mỹ: Cơ hội nâng cao vị thế Việt Nam

Phạm Tuấn 05/04/2025 03:33

Ứng xử linh hoạt, đàm phán khéo léo với chính quyền Tổng thống Mỹ được xem là yếu tố then chốt giúp Việt Nam giảm thiểu thiệt hại và tránh rơi vào một “cú sốc” kinh tế.

Đây không chỉ là phép thử về bản lĩnh đối ngoại mà còn là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò chủ động trong bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng phức tạp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố bảng thuế quan lên hàng nhập khẩu từ các nước khác, thực hiện lời hứa với các cử tri khi tranh cử. Mục tiêu của chính sách này là mang nền sản xuất và công ăn việc làm quay lại Mỹ, cân bằng cán cân thương mại với các nước khác và có khả năng sử dụng thuế quan thay cho thuế thu nhập cá nhân.

Việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang đặt ra thách thức không nhỏ cho nền kinh tế, nhất là khi xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng và thị trường Mỹ đóng vai trò chủ chốt với 29,5% tổng kim ngạch năm 2024.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – động lực quan trọng cho sản xuất và xuất khẩu – chính sách này còn có thể kéo theo hệ lụy sâu rộng: thu hẹp quy mô sản xuất, gia tăng khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tác động tiêu cực đến thị trường lao động và làm suy giảm sức mua của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng hai con số của nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

xuatkhau.jpg
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 2 đạt 22 triệu USD, tăng 37% so với tháng 2/2024, đưa lũy kế xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên 39 triệu USD.

Linh hoạt ứng phó

Trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ ngay sáng 3/4 với các bộ, ngành để đánh giá tình hình và thảo luận giải pháp ứng phó cho thấy sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trước diễn biến bất lợi từ chính sách thuế quan của Mỹ. Động thái này không chỉ phản ánh tinh thần phản ứng nhanh của Chính phủ mà còn khẳng định quyết tâm bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc có thể làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu – một trong những trụ cột quan trọng của tăng trưởng.

Đáng chú ý là chỉ vài ngày sau đó, từ 6-14/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tham dự chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York) và có các hoạt động làm việc tại Mỹ. Sự kiện này được đánh giá là cơ hội để Việt Nam tiếp cận bàn đàm phán với phía Mỹ về chính sách thuế quan. Hiện tại, giới quan sát và cộng đồng doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến công tác này, đặc biệt trong bối cảnh phía Mỹ đã để ngỏ khả năng đàm phán.

Bài toán quan trọng hiện nay không chỉ nằm ở việc giảm mức thuế, mà còn là bảo vệ các dòng hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Những ngành hàng có lợi thế so sánh như dệt may, thủy sản, đồ gỗ… đang đứng trước nguy cơ mất đi sức cạnh tranh nếu không có sự điều chỉnh phù hợp. Việc tận dụng đối thoại để đề xuất chính sách thuế linh hoạt hơn, có sự phân loại theo nhóm hàng, sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam giảm thiểu tác động tiêu cực từ rào cản thương mại mới.

Chính sách thuế quan đã trở thành một trong những chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, với cam kết bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất nội địa Mỹ. Thế nhưng trong thực tế, việc áp thuế cao lên các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, gỗ, giày dép - những lĩnh vực không phải là thế mạnh của Mỹ - đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực sự của chính sách này.

Mục tiêu chính của thuế quan thường là bảo vệ ngành sản xuất nội địa khỏi sự cạnh tranh từ bên ngoài. Nhưng khi áp dụng lên những mặt hàng mà Mỹ không có lợi thế sản xuất, chính các doanh nghiệp Mỹ lại là bên chịu ảnh hưởng nặng nề. Các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ, vốn phụ thuộc vào nguồn cung từ Việt Nam để duy trì chi phí thấp và đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định, sẽ phải đối mặt với giá thành tăng cao. Hệ quả là giá cả hàng hóa leo thang, gây áp lực lên người tiêu dùng và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ trên thị trường nội địa.

Trong bối cảnh Mỹ đang để ngỏ khả năng đàm phán về vấn đề thuế quan, việc cân nhắc lại tác động của chính sách này không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp nhập khẩu mà còn góp phần duy trì môi trường thương mại ổn định, tránh những hệ lụy không mong muốn cho chính nền kinh tế Mỹ.

Khẳng định bản lĩnh

Bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không chỉ đặt ra thách thức mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam khẳng định bản lĩnh, điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng bền vững và linh hoạt hơn. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là thời điểm để Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, phát triển bền vững và gia tăng tính tự chủ, độc lập trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn từ góc độ chiến lược dài hạn, việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, dù đó là thị trường Mỹ với 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Chính sách thuế này là lời cảnh báo rõ ràng rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm để giảm thiểu nguy cơ bị tổn thương khi có biến động chính sách từ đối tác lớn. Đẩy mạnh nội địa hóa, tăng cường năng lực sản xuất trong nước cũng là yếu tố then chốt để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Về đối sách thương mại, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện thiện chí hợp tác, hướng đến một cơ chế thuế quan công bằng hơn. Việc tận dụng các hiệp định thương mại song phương và đa phương như CPTPP, EVFTA hay RCEP sẽ giúp Việt Nam có thêm không gian thương lượng, giảm thiểu tác động của chính sách thuế từ Mỹ. Quan trọng hơn, đây là thời điểm để Việt Nam thúc đẩy cải cách chính sách thương mại theo hướng minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư và phát triển bền vững.

Đặc biêt, trước những biến động từ chính sách thuế của Mỹ, trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy bất định, các doanh nghiệp Việt Nam cần coi đây là cơ hội để nhìn nhận lại chiến lược phát triển của chính mình, thay vì chỉ xem đó là một cú sốc ngắn hạn.

Một trong những bài học then chốt được rút ra chính là tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường như Mỹ có thể mang lại giá trị lớn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài lại tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chính sách thay đổi đột ngột.

Trên thực tế, Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh tại các thị trường khác, nhờ vào mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Đây là những hiệp định không chỉ giúp dỡ bỏ hàng rào thuế quan mà còn tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, tiêu chuẩn, tiếp cận thị trường. Đáng chú ý, các thị trường như Canada, Anh, Australia đang dần nổi lên như những điểm đến tiềm năng với mức thuế nhập khẩu được miễn hoặc giảm mạnh cho hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thị trường châu Âu, châu Á, Trung Đông… cũng đang dành cho Việt Nam những ưu đãi đáng kể. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải chủ động khai phá, đầu tư cho nghiên cứu thị trường, thay đổi mẫu mã, tiêu chuẩn sản phẩm để phù hợp với thị hiếu và quy định của từng thị trường cụ thể.

Việc tận dụng tối đa các FTA không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì đà xuất khẩu trong ngắn hạn, mà còn là bước đi chiến lược để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định năng lực cạnh tranh một cách bền vững và tự chủ. Trong cuộc chơi toàn cầu ngày càng khốc liệt, những doanh nghiệp biết xoay trục, chủ động thích ứng chính là những người có cơ hội sống sót và phát triển mạnh mẽ nhất.

Dù ngắn hạn sẽ có không ít khó khăn, nhưng về lâu dài, nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam không chỉ giảm thiểu rủi ro từ một thị trường mà còn nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phạm Tuấn