Kinh tế thế giới

Thuế đối ứng của Mỹ: Việt Nam cần ứng phó ra sao?

TS. Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Chiến lược Kinh tế (IESS) 05/04/2025 11:09

Chính quyền Tổng thống Trump vừa áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là dệt may, điện tử...

Tổng thống Trump giơ tấm bảng mức thuế các nước đang áp với Mỹ và thuế đối ứng. Ảnh REUTERS
Tổng thống Trump giơ tấm bảng mức thuế các nước đang áp với Mỹ và thuế đối ứng. Ảnh REUTERS

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sắc lệnh thuế quan đối ứng trong sự kiện mà ông gọi là “ngày giải phóng”. Ông Trump ước mơ đưa ngành công nghiệp chế tạo trở về Mỹ bằng cách đánh thuế nhập khẩu vào tất cả các đối tác thương mại. Chính sách thuế quan này của ông Trump đang gây chấn động kinh tế toàn cầu.

Mức thuế cao “khủng khiếp”

Theo đó, mức thấp nhất với tất cả (gọi là đường cơ sở) là 10% áp dụng cho tất cả không loại trừ. Bên cạnh đó, thuế riêng với từng đối tác về cơ bản có thặng dư thương mại với Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc mức 34%, thực tế sẽ còn phải cộng thêm mức 20% đánh riêng vào mọi hàng nhập khẩu từ nước này được công bố trước đó bởi Biden 10% rồi Trump sau khi trở lại thêm 10% nữa. Như vậy, tổng cộng 54% gần với mức 60% mà ông Trum đe dọa từ đầu.

Với các quốc gia và khu vực khác, chính quyền Trump áp dụng mức thuế lần lượt là EU 20%, Ấn Độ 26%, Nhật Bản 24%, Đài Loan 32%...
Ngoài ra, cần lưu ý, các loại thuế đánh vào ô tô nước ngoài sản xuất 25%, nhôm và thép nhập khẩu 25%, không loại trừ, là những loại tính riêng. Điều này có nghĩa là, mức thuế thực tế sẽ phải cộng thêm vào mức kể trên (nếu có).

Tương tự, thuế đánh vào ô tô nước ngoài sản xuất là 25%, nếu Trung Quốc xuất khẩu xe EV vào Mỹ thì mức thuế sẽ là 25% + 100% do Biden đặt ra để ngăn xe EV của Trung Quốc thì tổng cộng sẽ là 125%.

Mục tiêu áp thuế đối ứng

Thuế đối ứng là loại thuế quan nhằm làm ngang bằng với rào cản thuế và phi quan thuế so với đối tác. Nhờ loại thuế này mà Mỹ đã ép các đối thủ từ bỏ thuế để dần đi đến tự do thương mại hơn trong quá khứ.

Vấn đề là cách làm và ý đồ của chính quyền Trump khi thực thi loại thuế này lại làm cho nó bị biến chất không còn ý nghĩa như tên gọi của nó.

Thứ nhất, các mục tiêu của việc dùng thuế đối ứng mà chính quyền Trump cho biết bao gồm: xóa bỏ thâm hụt thương mại kéo dài và đem lại công bằng thương mại. Ông Trump cho rằng, các đối tác đã lợi dụng lòng tốt của Mỹ kiếm lời không công bằng trong thương mại, nay Mỹ phải lấy lại. Bên cạnh đó là đưa ngành chế tạo về Mỹ. Ông Trump cho rằng thuế nhập khẩu cao sẽ buộc các công ty Mỹ và cả nước ngoài phải trở về Mỹ.

Mục tiêu khác là tăng thu ngân sách để bù đắp nợ công 36,6 nghìn tỷ USD. Ông Trump cho rằng khi áp thuế này, Mỹ sẽ thu được mỗi năm từ 600 đến 1000 tỷ USD. Trong 10 năm, Mỹ sẽ giảm được từ 6 nghìn đến 10 nghìn tỷ USD nợ Chính phủ. Ngoài ra, ông Trump còn cho rằng dùng nguồn thu này để hỗ trợ tài chính cho dân chúng.

Thứ hai, mức thuế nêu trên dường như không phải là để “lập lại cân bằng” mà là dùng lợi thế kẻ mạnh để lấy lại cái mà ông Trump cho là bị các đối tác đã giành được từ Mỹ trong thời gian dài. Hay việc đặt ra mục tiêu là đưa ngành chế tạo trở về Mỹ cho thấy chính sách thuế của chính quyền Trump mang đậm nét của chính sách thuế “bảo hộ” hơn là “đối ứng”.

Thứ ba, cách mà chính quyền Trump sử dụng công cụ thuế để gây áp lực với các đối tác không chỉ nhằm giải quyết bất đồng thương mại mà còn nhằm đạt được những ý đồ khác như chống di cư bất hợp pháp, vấn đề fentanyl, hay xung đột địa chính trị…

Tất cả cho thấy rằng mục đích sâu xa và trên hết là ông Trump muốn lấy lại vị thế thống trị về kinh tế, công nghệ và thương mại toàn cầu bằng cách đẩy các đối tác và đối thủ vào thế khó. Vậy chính sách thuế đối ứng hay thuế khác của Trump về thực chất không phải để lập lại cân bằng mà thuế để chèn ép đối thủ và đối tác để mình vươn lên.

Trong khi đó, tất cả các khu vực và nền kinh tế năng động nhất ở châu Á và EU đều bị tấn công bằng thuế quan. Mức tác động sẽ tùy thuộc từng nước, khu vực, tùy từng hàng hóa, lĩnh vực, nhưng nhìn chung tất cả đều bị tác động tiêu cực. Mức tác động tổng thể sẽ là rất lớn.

Quan trọng hơn, sẽ có những đòn phản ứng từ các đối thủ. Đặc biệt, bối cảnh hiện nay khác xa so với quá khứ khi có rất nhiều đối thủ mạnh ngang tầm với Mỹ. Thêm vào đó, nền sản xuất và chuỗi cung ứng phân bố rộng trên toàn cầu. Do vậy, tác động từ thuế của Mỹ và phản ứng từ các đối tác sẽ gây nhiều biến động cho kinh tế, thương mại toàn cầu trong năm 2025.

Tác động đến Việt Nam

Sẽ có sự gián đoạn, xáo trộn lớn, thậm chí "tê liệt" trong thương mại toàn cầu, các chuỗi cung ứng toàn cầu, và cuối cùng toàn bộ nền kinh tế thế giới tiến sát đến đình trệ, suy thoái. Các thị trường tài chính, tiền tệ sẽ có những điều chỉnh lớn. Các Chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ phải xem xét lại toàn bộ chính sách và sẽ có những phản ứng chính sách mới.

Là một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào kinh tế thế giới, Việt Nam có thể sẽ chịu tác động nhất định từ thuế quan của chính quyền Trump. Những lợi ích mà Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong vài năm qua sẽ không còn nhiều.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thương mại là hai nguồn động lực chính của nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ gặp thách thức. Hậu quả, tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới có thể sẽ không thể thuận lợi như dự tính.

Mặc dù vậy, trước khi ông Trump công bố mức thuế nói trên, Việt Nam đã có nhiều động thái mới, như giảm thuế cho hàng nhập khẩu từ Mỹ; tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ;... Ngoài ra, Việt Nam cũng đẩy mạnh đàm phán với chính quyền Trump qua các kênh khác nhau. Đặc biệt, Việt Nam có thể xem xét thúc đẩy ký kết FTA với Mỹ.... Do đó, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng chính quyền Trump sẽ giảm bớt, thậm chí gỡ bỏ thuế quan đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp, có thể xem xét nhập khẩu các hàng hóa phù hợp từ Mỹ, góp phần giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội từ các FTAs mà Việt Nam đã ký kết...

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần điều chỉnh chiến lược xuất khẩu của mình để tránh trường hợp bị chính quyền Trump coi là "nơi trung chuyển" cho hàng hóa từ các nước khác nhằm tránh thuế. Theo đó, Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

Thuế đối ứng là gì?
Thuế đối ứng là một loại thuế quan hoặc hạn chế thương mại mà một quốc gia áp dụng cho nước khác để đáp trả mức thuế tương tự với hàng hóa của họ. Chữ "đối ứng" mang ý nghĩa "có qua có lại", đôi khi mức thuế đáp trả ngang bằng hoặc thấp hơn.

Ý tưởng đằng sau thuế đối ứng là tạo ra sự cân bằng trong thương mại giữa các quốc gia. Nếu một quốc gia tăng thuế đối với hàng hóa từ quốc gia khác, bên bị ảnh hưởng có thể phản ứng bằng cách áp dụng thuế quan của riêng mình đối với hàng nhập khẩu từ nước kia.

Về hệ quả, thuế đối ứng có thể dẫn đến việc gia tăng rào cản thương mại qua lại, thậm chí dẫn đến chiến tranh thương mại, gây tác động tiêu cực đến cả hai nền kinh tế.

Những tình huống như vậy có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng giá cho người tiêu dùng và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng là các quốc gia phải giao tiếp cởi mở và hợp tác để giải quyết các vấn đề thương mại, thay vì sử dụng thuế đối ứng.

TS. Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Chiến lược Kinh tế (IESS)