Nghiên cứu - Trao đổi

Giảm thiểu rủi ro thuế quan từ Mỹ

Yến Nhung thực hiện 05/04/2025 04:30

Mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ giúp giảm tác động tiêu cực từ mức thuế 46% của Mỹ lên hàng hóa Việt Nam, đồng thời nâng cao tính bền vững cho xuất khẩu Việt Nam trong tương lai.

Đây là chia sẻ của PGS, TS Trần Ngọc Mai, Khoa Kinh doanh Quốc tế, Học viện Ngân hàng với Diễn đàn Doanh nghiệp.

z6471648707914_b70f5e9189b94e92ba933f66d0a571e4.jpg
PGS, TS Trần Ngọc Mai, Khoa Kinh doanh Quốc tế, Học viện Ngân hàng

- Bà đánh giá mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam sẽ tác động thế nào đến khả năng duy trì thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ?

Mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam sẽ tác động khá lớn đến khả năng duy trì thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ, đặc biệt là trong các ngành dệt may, da giày, điện tử, công nghệ và thủy sản. Thuế cao làm giá thành sản phẩm tăng mạnh, khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với trước đây. Với mức thuế này, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải cân nhắc chuyển đơn hàng sang các quốc gia có chi phí thấp hơn. Hệ quả là doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế về giá và khó giữ được khách hàng truyền thống ở Mỹ.

Đặc biệt, Mỹ hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nên tác động từ thuế quan này có thể khiến xuất khẩu giảm mạnh, đe dọa thị phần đã xây dựng bấy lâu. Nếu không có giải pháp kịp thời, việc giảm xuất khẩu và mất thị phần tại Mỹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

- Liệu chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu có thể giúp Việt Nam bù đắp sự sụt giảm từ thị trường Mỹ? Bà đánh giá vai trò của các FTA hiện tại sẽ hỗ trợ như thế nào trong tình hình này?

Thực tế, chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã được Việt Nam chú trọng từ nhiều năm qua. Trong bối cảnh thị trường Mỹ gặp rào cản lớn, theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có khả năng và nhu cầu chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản hay khu vực Đông Nam Á nhằm bù đắp phần nào sự sụt giảm. Khi đó, 17 FTA đã ký kết với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện có chính là “tấm đệm” quan trọng giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế Mỹ, đồng thời mở ra cánh cửa thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng khác. Nhờ mạng lưới FTA rộng khắp, hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập ưu đãi vào các khu vực như EU, châu Á – Thái Bình Dương, và châu Mỹ Latin. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang xúc tiến đàm phán FTA với các thị trường tiềm năng mới như Trung Đông, Nam Mỹ, Trung Á.... nhằm mở rộng cánh cửa cho hàng xuất khẩu Việt Nam, giảm phụ thuộc quá mức vào một thị trường đơn lẻ.

detmayxk.jpg
Mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ giúp giảm tác động tiêu cực từ mức thuế 46% của Mỹ lên hàng hóa Việt Nam, đồng thời nâng cao tính bền vững cho xuất khẩu Việt Nam trong tương lai - Ảnh: ITN

Tuy việc chuyển hướng không thể nhanh chóng bù đắp cho quy mô và sức mua khổng lồ của Mỹ, nhưng các FTA hiện tại sẽ giúp Việt Nam san sẻ phần nào thiệt hại, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng và cải tiến sản xuất để mở rộng thị trường. Về lâu dài, chiến lược đa dạng hóa thị trường và tận dụng các FTA sẽ giúp Việt Nam nâng cao chuỗi cung ứng, giảm thiểu sự lệ thuộc vào bất kỳ thị trường nào và gia tăng tính bền vững cho xuất khẩu. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các FTA chính là điểm tựa để Việt Nam chuyển mình và tìm kiếm cơ hội ở những chân trời mới, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực và dần dần bù đắp thiệt hại bằng sự tăng trưởng từ các thị trường thay thế.

- Theo bà, Việt Nam nên tập trung vào những thị trường nào để thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu?

Như đã đề cập, thị trường Liên minh châu Âu (EU) là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược chuyển hướng xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ EVFTA có hiệu lực từ 2020, hàng hóa Việt Nam vào EU đang dần được hưởng thuế suất ưu đãi và tiến tới xóa bỏ tới 99% dòng thuế sau lộ trình vài năm, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn. Năm 2024, xuất khẩu sang EU đạt 51,66 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước, một mức tăng ấn tượng bất chấp khó khăn từ nền kinh tế toàn cầu. Thành công này phần lớn nhờ vào việc tận dụng EVFTA, giúp nhiều nhóm hàng trọng điểm (như máy tính, điện tử, dệt may, giày dép, nông sản…) tăng mạnh tại thị trường EU.

Có thể thấy, EU đang trở thành một thị trường thay thế quan trọng, đủ lớn và có sức mua cao, nơi hàng Việt có lợi thế về thuế quan. Ngành dệt may có thể chuyển hướng nhiều hơn sang EU, nơi EVFTA sẽ đưa thuế suất về 0% trong vài năm tới, thay vì chịu 46% ở Mỹ. Tương tự, thủy sản Việt Nam sang EU cũng được hưởng ưu đãi thuế (cá ngừ, tôm, cá tra vào EU đang được giảm thuế đáng kể theo EVFTA), giúp tăng sức cạnh tranh. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn cao của EU về chất lượng, quy tắc xuất xứ… để tận dụng triệt để ưu đãi FTA.

Bên cạnh EU, các thị trường đối tác CPTPP như Nhật Bản, Canada, Úc cũng rất tiềm năng. Nhật Bản từ lâu đã là thị trường lớn của hàng Việt Nam (ví dụ thủy sản, dệt may, máy móc…), nay với CPTPP, thuế quan hầu hết các mặt hàng đã được xóa bỏ hoặc giảm sâu. Điều này tạo điều kiện cho Việt Nam tăng tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản cũng như các nước CPTPP khác. Các thị trường như Canada và Úc cũng đang nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, giày dép… Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng này vì theo CPTPP, đa số các dòng thuế đã về 0% hoặc rất thấp, giúp giá hàng Việt cạnh tranh hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng Hiệp định UKVFTA với Anh, nơi hàng Việt có thể tránh thuế cao tại Mỹ (46%) và xuất khẩu sang Anh với thuế chỉ 10%.

Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc) cũng là những cơ hội cần khai thác. Nhờ các hiệp định AFTA và RCEP, hàng hóa Việt Nam trong khu vực ASEAN và Đông Á có thể hưởng thuế suất ưu đãi, giúp chia sẻ rủi ro và tiêu thụ sản lượng dư thừa.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Yến Nhung thực hiện