Sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Cần bảo đảm phù hợp yêu cầu thực tiễn
Nhất trí với sự cần thiết bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Theo đó, nhằm nâng cao tính linh hoạt, bảo đảm tính đồng bộ giữa pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế, Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) được thiết kế gồm 6 Chương và 66 Điều (bổ sung 03 Điều, giảm 6 Điều so với Luật hiện hành).

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 như sau: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nội dung cơ bản gồm: Sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thể chế hóa thực hiện Chính sách 1 “Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”;
Sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thể chế hóa thực hiện Chính sách 2 “Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”; Sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thể chế hóa thực hiện Chính sách 3 “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; Và sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thể chế hóa thực hiện Chính sách 4 “Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.

Nhất trí với sự cần thiết bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị, bổ sung nghĩa vụ của người sản xuất là tuân thủ những quy định của hợp đồng và tuân thủ các tiêu chuẩn tự công bố sản phẩm.
Theo đại biểu, Dự thảo luật không đề cập đến công bố sự phù hợp, tuy nhiên, từ tình hình thực tế và yêu cầu, kiến nghị của cử tri, ban soạn thảo nên xem xét một cách thấu đáo về việc công bố chất lượng sản phẩm theo yêu cầu. Bởi, theo Luật hiện hành: “Người sản xuất thông báo sản phẩm của mình phù hợp với tiêu chuẩn (gọi là công bố hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (gọi là công bố hợp quy). Việc công bố hợp chuẩn, hợp quy được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”.
Với quy định nêu trên, người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn và bất cập. Cụ thể, người sản xuất phải tự công bố hợp quy và báo cáo trên bảng công bố hợp quy cho các cơ quan chức năng tất cả những sản phẩm và những quy trình trong quá trình sản xuất.
Như vậy, người sản xuất phải tự mình làm hoặc phải thuê các tổ chức đánh giá sự phù hợp với tất cả các khâu, các công đoạn trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, đây là một quy trình đã được xem xét trong quá trình công nhận một cơ sở sản xuất, kinh doanh khi đủ các điều kiện. Mặt khác, khi thực hiện các quy trình này, ngoài các thủ tục, thì việc công nhận, kiểm tra đánh giá tính hợp quy cũng sẽ chiếm một khoản chi phí rất lớn của các doanh nghiệp.
Làm rõ hơn về nội dung đã nêu, đại biểu cho biết, “trung bình một sản phẩm hàng hóa vật tư nông nghiệp được đánh giá quy trình sản xuất, lấy mẫu thử nghiệm để công bố thì trong thời hạn 3 năm phải công bố lại, với chi phí dao động từ 3 - 5 triệu đồng/sản phẩm. Đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa, với khoảng 200 đến 300 sản phẩm, chi phí cũng từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng”.
“Quan điểm của Đảng và Chính phủ là tháo gỡ những chính sách cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy, ban soạn thảo nên nghiên cứu lại quy định này để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay”, đại biểu đề nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất, cần có cơ chế cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong trong việc truy xuất nguồn gốc từ trong nước đến quốc tế, bảo đảm yêu cầu của thị trường quốc tế.
Trước đó, tham gia góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), một số ý kiến cũng cho rằng, khái niệm “hàng hóa” hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với 18 năm trước, nên cần có cách tiếp cận khác để quản lý về chất lượng đáp ứng được thực tiễn phát triển.