Chính sách ưu đãi đối với hàng hóa trong nước: Đề xuất của VCCI và những kỳ vọng cho doanh nghiệp
Việc xác định rõ xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp trong nước dễ dàng hưởng ưu đãi trong đấu thầu, nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất nội địa…
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, việc phát triển sản xuất trong nước và ưu tiên các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam trong đấu thầu công được nhiều ý kiến đánh giá là một bước đi quan trọng.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi công văn góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, trong đó nổi bật là đề xuất quy định về việc ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước có xuất xứ Việt Nam. Đây là một chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất nội địa và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn được VCCI chỉ ra là thiếu các tiêu chí rõ ràng và minh bạch để xác định thế nào là hàng hóa sản xuất trong nước, có xuất xứ Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho việc áp dụng chính sách ưu đãi và có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý trong quá trình đấu thầu.
Theo VCCI, việc có tiêu chí rõ ràng về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định và chứng minh sản phẩm của mình là sản xuất trong nước, từ đó được hưởng các ưu đãi trong đấu thầu. Tuy nhiên, việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp lớn mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, SMEs là một trong những đối tượng gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào các gói thầu công, do thiếu chứng nhận về xuất xứ hàng hóa. Việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do VCCI thực hiện có thể tạo ra một cơ chế đơn giản, rõ ràng và dễ áp dụng, tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước chứng minh dễ dàng sản phẩm của mình đủ điều kiện nhận ưu đãi trong đấu thầu.
Do đó, VCCI đã đưa ra đề xuất bổ sung quy định về cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do chính VCCI cấp. Điều này, theo VCCI, là bước đi đúng đắn để tạo sự minh bạch trong quá trình đấu thầu, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh công bằng hơn với các nhà thầu nước ngoài.
Ngoài ra, đề xuất này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tích cực, hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nội địa và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia vào các gói thầu lớn của Chính phủ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách phát triển công nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bình luận xung quanh nội dung này, luật sư Lê Thị Nhung - Giám đốc Công ty Luật TNHH L&A legal Experts đánh giá, đề xuất của VCCI là một bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo luật sư Nhung, việc đưa ra các tiêu chí rõ ràng về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và công bằng trong đấu thầu, đồng thời giảm thiểu tình trạng khiếu nại và tranh chấp liên quan đến việc xác định sản phẩm nội địa.
“Việc này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra một sân chơi công bằng, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất trong nước", luật sư Lê Thị Nhung nói, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong xác định xuất xứ hàng hóa.
"Cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa như VCCI đề xuất sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và chính xác, đồng thời tạo ra sự tin tưởng từ các đối tác quốc tế, khi họ thấy rằng các sản phẩm Việt Nam được cấp chứng nhận phù hợp với thông lệ quốc tế" – luật sư Nhung nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên - Giám đốc Công ty Luật Đại La cũng cho rằng, việc xác định xuất xứ hàng hóa là rất quan trọng để giảm thiểu các vấn đề pháp lý có thể phát sinh trong quá trình đấu thầu. Bởi theo luật sư Nguyễn Đức Biên, nếu không có các tiêu chí rõ ràng, việc áp dụng ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước có thể dẫn đến tranh chấp không cần thiết. “Chúng ta cần một cơ chế cụ thể để xác định sản phẩm có xuất xứ Việt Nam, từ đó đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và giảm thiểu các rủi ro pháp lý trong các hợp đồng đấu thầu." - luật sư Biên nói.
Tuy nhiên, vị luật sư cũng đánh giá, dù chính sách này có nhiều ưu điểm, nhưng việc triển khai có thể không dễ dàng. Bởi, một trong những thách thức lớn nhất chính là việc đồng bộ hóa các tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa, đặc biệt trong các trường hợp sản phẩm có nhiều công đoạn gia công, lắp ráp từ các nguồn nguyên liệu khác nhau.
“Để giải quyết vấn đề này, cần phải xây dựng các tiêu chí cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa và cơ chế giám sát độc lập trong quá trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ. Một vấn đề quan trọng khác là cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo các quy định này không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA)” - luật sư Nguyễn Đức Biên góp ý.