Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành 25.000 căn nhà ở xã hội
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động với khoảng 1,24 triệu m2 sàn.
Theo đề án "Phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, KCN; thu hút nguồn lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh", tỉnh phấn đấu đến năm 2025 khởi công xây dựng khoảng 1,2 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 25.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động.
.jpg)
Mục tiêu đề ra
Cụ thể, nhà ở xã hội cho công nhân các KCN là 420.000m2 sàn, tương ứng 10.500 căn hộ; nhà ở cho công nhân ngành than có thu nhập trung bình là 260.000m2 sàn, tương ứng 4.300 căn hộ; nhà ở cho công nhân ngành than thu nhập thấp và đối tượng xã hội còn lại là 560.000m2 sàn, tương ứng 9.600 căn hộ. Qua đó, đến năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu sẽ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng có thu nhập thấp, làm cơ sở thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Xây dựng, Quảng Ninh có lượng lớn công nhân lao động từ các tỉnh, thành phố đến sinh sống và làm việc. Nhu cầu về nhà ở theo đó ngày một tăng trong khi việc sở hữu nhà ở khu vực đô thị lại khá khó khăn, nhất là người có thu nhập thấp, công nhân lao động. Phần lớn công nhân phải thuê trọ nhà dân. Điều kiện sinh hoạt, điều kiện về an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh đều không được đảm bảo.
Trước thực trạng này, nhiều năm qua, Quảng Ninh đã trăn trở tìm các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch về phát triển NOXH cũng như nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Đặc biệt, ưu tiên quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho nhóm đối tượng này. Trong đó, các KCN tập trung đều dành quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân.
.jpg)
Bà Trần Thu Trang - Giám đốc Văn phòng Tổng Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Ngân Long, KCN Hải Yên, TP Móng Cái chia sẻ: Để giữ chân người lao động, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng khu ký túc xá với 4 tòa nhà: Tòa dành cho cán bộ quản lý, tòa dành cho nam đơn thân, nữ đơn thân và tòa dành cho các cặp vợ chồng. Các phòng tại ký túc xá đều có vệ sinh khép kín, được bố trí sẵn giường đệm, tủ quần áo, tủ giày cùng hệ thống điều hòa, bình nóng lạnh. Đời sống người lao động trong ký túc xá luôn đảm bảo, giúp họ yên tâm lao động cũng như gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Cùng với các khu nhà ở tập thể, ký túc xá cho công nhân của các doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã quy hoạch, lập chủ trương đầu tư, xây dựng 15 dự án phát triển NOXH. Bao gồm: 5 dự án NOXH đang đầu tư xây dựng; 10 dự án đang lập quy hoạch đô thị. Trong đó, dự án khu NOXH thuộc khu dân cư đồi ngân hàng TP Hạ Long đã hoàn thành phần thô với tổng số 790 căn. Dự án đã mang lại nhiều cơ hội sở hữu nhà ở ngay tại trung tâm thành phố với mức giá phù hợp với thu nhập thấp.
Hiện thực hóa mục tiêu
Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Thủ tướng Chính phủ giao Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 8.200 căn nhà ở xã hội. Với 5 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, hiện tỉnh chỉ có khoảng 2.900 căn. Điều này cho thấy, dù việc phát triển nhà ở xã hội luôn được tỉnh quan tâm thực hiện và đã có một số điểm sáng nhất định trong phát triển nhà ở xã hội. Song đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Mặc dù đã có sự nỗ lực thực hiện nhưng hiện nay việc phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp và nhà ở cho lao động thu nhập thấp còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp chưa đủ mạnh; nhiều cơ chế chính sách ưu đãi khi triển khai trên thực tế còn vướng mắc nên khó khăn trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư.
.jpg)
Theo đại diện Sở Xây dựng, việc triển khai công tác xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc. Việc chậm trễ trong điều chỉnh quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch chung dẫn đến việc chậm trễ trong phê duyệt chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án. Một số quỹ đất chưa được GPMB gây khó khăn trong triển khai dự án. Lãi suất cho vay còn cao, thời gian vay vốn ưu đãi ngắn khiến chủ đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn. Công tác xác định đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội tại dự án còn nhiều hạn chế...
Trên cơ sở đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đầu tư xây dựng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động với khoảng 1,24 triệu m2 sàn. Hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách pháp luật về nhà ở xã hội; khẩn trương xây dựng các chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền của tỉnh theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở xã hội. Công bố các vị trí, khu vực, đồ án quy hoạch đô thị các dự án nhà ở xã hội cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh để các nhà đầu tư biết, nghiên cứu, tham gia đầu tư xây dựng.
Tỉnh Quảng Ninh đã lấy ý kiến Bộ Xây dựng về mẫu xác nhận đối tượng người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có hợp đồng lao động và phối hợp với Sở NN&MT về mẫu xác nhận điều kiện nhà ở để thuận lợi cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội. UBND các địa phương có quỹ đất nhà ở xã hội cũng chủ động triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh cần đề ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư mang tính thiết thực, hiệu quả. Tạo điều kiện để kêu gọi đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, 25.000 căn nhà ở xã hội sẽ là thách thức, nhưng cũng là áp lực để các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh phải triển khai các giải pháp mạnh mẽ, khơi thông các nguồn lực đất đai, tài chính để biến giấc mơ về một nơi “an cư lạc nghiệp” của người lao động thành hiện thực, xây dựng cho nhân dân niềm tin về một chính quyền hành động do dân và vì dân.